Nhiều sáng kiến khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số thành công nhờ “Vườn ươm doanh nghiệp"

Sau 5 năm triển khai, Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp" đã hỗ trợ 78 mô hình kinh doanh tại tỉnh Hoà Bình và Lào Cai, trong đó hơn 50 dự án của thanh niên dân tộc thiểu số Lào Cai đã được nâng cao năng lực về quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính, tiếp thị bán hàng, tham gia các hội chợ thương mại, mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh.
z5263724636759-479d48dad22ade2cb7956ca70ad2a1b3-1710835618.jpg
Khách mời chia sẻ, thảo luận về các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Mới đây, tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai) Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Aide et Action (Pháp) tổ chức hội nghị tổng kết, chia sẻ kết quả vận hành Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp" hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp.

Được thực hiện từ năm 2019 tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình) với sự tài trợ của Ngân hàng HSBC và Tổ chức Aide et Action (AEA), Dự án “Vườn ươm doanh nghiệp" nhằm mục tiêu tạo ra một mạng lưới “ươm mầm” cho các sáng kiến khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số, hỗ trợ thực hiện ý tưởng kinh doanh và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.

“Vườn ươm doanh nghiệp” là mô hình hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, được coi là mô hình điểm thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp tại địa phương, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

z5263724631753-7e0746d39bff72f20e48b38100ffb945-1710835618.jpg
Sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 78 mô hình kinh doanh tại tỉnh Hoà Bình và Lào Cai.

Sau 5 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 78 mô hình kinh doanh tại tỉnh Hoà Bình và Lào Cai, trong đó hơn 50 dự án của thanh niên dân tộc thiểu số Lào Cai đã được nâng cao năng lực về quản lý doanh nghiệp, quản lý tài chính, tiếp thị bán hàng, tham gia các hội chợ thương mại, mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh. Trong số đó, 20 mô hình khởi nghiệp tiềm năng nhất của vườn ươm đã được hỗ trợ phát triển chuyên sâu, đồng hành 1 - 1 cùng các chuyên gia khởi nghiệp, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và kết nối đầu ra cho sản phẩm và dịch vụ, tham quan học hỏi các doanh nghiệp thành công khác. Các mô hình khởi nghiệp này chủ yếu cung cấp các sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch, sản phẩm thêu dệt thổ cẩm thủ công truyền thống, dịch vụ du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hoá dân tộc vùng núi Tây Bắc.

Qua việc thiết lập và vận hành hiệu quả mô hình Vườn ươm, dự án đã kết nối thành công các sản phẩm liên quan đến thực phẩm hữu cơ và nông sản sạch như mật ong rừng, cá sông Đà, trà Shan tuyết, tinh dầu thảo dược, xà phòng thảo dược… để đưa vào chuỗi thực phẩm sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội, Lào Cai, Hải Phòng, Hạ Long, Ninh Bình, Hồ Chí Minh, An Giang và các mạng lưới phân phối khác.

Trong khuôn khổ hội nghị, các thanh niên dân tộc thiểu số cũng đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và hành trình phát triển bản thân khi tham gia Vườn ươm doanh nghiệp AEA. Bên cạnh đó, đại diện ban, ngành, địa phương và các chuyên gia đã chia sẻ về các chính sách hỗ trợ của địa phương, cơ hội kết nối và các xu hướng thị trường./.

Đông Nghi