Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh

Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2022 do tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa tổ chức "Tuần lễ văn hóa thành phố Thanh Hóa - Thành phố Hội An" với chủ đề “Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh”.

Sự kiện “Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh” diễn ra từ ngày 25/4 đến ngày 27/04/2022, đồng thời khánh thành phiên bản dãy phố cổ Hội An, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh, tinh hoa văn hóa của hai thành phố; tăng cường giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình cảm keo sơn, son sắt thủy chung nhân kỷ niệm 61 năm kết nghĩa thành phố Thanh Hóa - thành phố Hội An (1961 - 2022).

Tình sâu nghĩa nặng

picture1-1651210268.png

Theo mạch nguồn lịch sử, ngay từ thời Chúa Nguyễn Hoàng - vị quân chủ mở cõi Đàng Trong; Xứ Thanh và Xứ Quảng đã có một mối lương duyên đặc biệt với tình cảm gắn bó keo sơn. Dưới triều Lê Thánh Tông (năm 1471), Quảng Nam là một bộ phận của nước Đại Việt và trong giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh, từ năm 1570 Quảng Nam thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn (người con đất Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Hội An thuở ấy là điểm giao thương duy nhất với thế giới, nên nhiều thương gia nước ngoài thường gọi là Quảng Nam Quốc. Sử sách thời Nguyễn có ghi chép: “Chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một đô hội lớn”.

Ân tình ấy càng được vun đắp sâu đậm thêm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa đã phát động các phong trào “Vì miền Nam, vì Hội An”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”, chi viện sức người, sức của phục vụ chiến trường. Nhiều người con Thanh Hóa trực tiếp tham gia chiến đấu, sát cánh cùng nhân dân miền Nam, nhân dân Quảng Nam để giải phóng quê hương.

Ngày 12/2/1961, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam - Bắc, lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An được tổ chức tại thị xã Thanh Hóa. Nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như rạp chiếu phim, công viên, thư viện... Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân hai thành phố tiếp tục đồng cam cộng khổ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Trải qua hơn nửa thế kỷ, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa, thành phố Hội An luôn kề vai sát cánh, cùng tạo dựng những giá trị tinh thần, vật chất to lớn.

“Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh”

Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022, kỷ niệm 61 năm kết nghĩa (1961 – 2022), từ ngày 25 đến 27/4/2022, tại Công viên Hội An, thành phố Thanh Hoá tổ chức “Tuần văn hóa Thành phố Thanh Hóa - Thành phố Hội An” với chủ đề “Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh”. Lễ khai mạc diễn ra tối ngày 25/4 tại Công viên văn hóa Hội An với chương trình nghệ thuật đặc sắc của hai thành phố như trình diễn cồng chiêng, múa Pồn Pôông, dân ca Đông Anh, tiết mục văn nghệ ca ngợi thành phố Hội An, các tiết mục văn nghệ chung của hai thành phố, thả hoa đăng, phối hợp trình diễn trang phục “Hội An – ký ức thời gian” và biểu diễn trang phục dân tộc xứ Thanh.

picture2-1651210264.pngKhai mạc “Tuần văn hóa Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An”

Cùng với đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An, thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành phiên bản phố cổ Hội An(nằm trong Công viên Hội An, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa), tại đây biểu diễn nghệ thuật hát bội, hò sông Mã, ca trù, dân ca dân vũ Đông Anh.

Phiên bản này có tổng diện tích 980m2, bao gồm 15 căn nhà gỗ, trong đó có 9 căn nhà 1 tầng và 6 căn nhà 2 tầng. Các kiểu nhà được lựa chọn từ kiến trúc nhà cổ tiêu biểu của tuyến phố Trần Phú và tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai vốn là vùng lõi đặc trưng của khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

picture4-1651210253.png

Đêm phố cổ Hội An, hàng ngàn người dân thành phố Thanh Hóa lẫn du khách thập phương, nô nức hòa mình vào không gian phố Hội đặc trưng với 15 gian nhà phiên bản phố cổ, tham quan triển lãm ảnh “Truyền thống lịch sử, văn hóa của tỉnh, thành phố Thanh Hóa và thành phố Hội An” ; tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng… và thưởng thức ẩm thực hai miền như các món ăn Hội An gồm: Cao lầu, mì Quảng, cơm gà, chè bắp,…Các món ăn của Thành phố Thanh Hóa như cháo lươn, chả tôm,…

picture3-1651210256.png
 Nghi thức cắt băng khánh thành phiên bản phố cổ Hội An
picture5-1651210263.png
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hội An

Hát Bài chòi và trò chơi dân gian của TP Hội An được tái hiện giữa lòng TP Thanh Hóa

picture7-1651210268.png
picture6-1651210267.png
 Trò chơi dân gian Bịt mắt đập nồi diễn ra vô cùng vui nhộn
picture8-1651210263.png
 Hàng ngàn du khách đến trải nghiệm “đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh”

Tuần văn hóa Thành phố Thanh Hóa - Thành phố Hội An năm 2022 là sự khẳng định cho tình cảm gắn bó, son sắt, thủy chung giữa hai thành phố. Hơn 61 năm qua, kể từ khi kết nghĩa, dù trong khói lửa chiến tranh hay trong hòa bình, giữa bộn bề công việc dựng xây quê hương, đất nước, nghĩa tình đặc biệt Thanh Hóa - Hội An luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai thành phố dày công vun đắp, mãi mãi là niềm tự hào, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Đây cũng là dịp để cán bộ, nhân dân hai thành phố giao lưu, học hỏi, trao đổi, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch địa phương. Qua đó, phát huy truyền thống tốt đẹp, lòng tự hào dân tộc để xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương giàu đẹp, văn minh.

Gia Cường