Hội nghị có sự tham dự ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cùng lãnh đạo một số địa phương của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.
ĐBSCL là khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa cả nước, cũng như chiếm trên 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.
Theo báo cáo từ Sở NN&PTNT Cần Thơ, vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, diện tích sản xuất lúa năm 2022 ước đạt 4,12 triệu ha, sản lượng lúa đạt trên 25,5 triệu tấn. Tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt, các viện, trường và lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng đánh giá những mặt được và chưa được của sản xuất trong năm 2022. Trong đó, ngành sản xuất lúa đã có những cố gắng dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng lúa vẫn ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng nêu quan điểm, để giảm chi phí sản xuất lúa gạo thì phải giảm lượng giống gieo sạ xuống còn khoảng 80kg/ha là điều cần thiết và phải thực hiện cấp bách. Khi giảm lượng lúa giống, các chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí cho bơm tưới sẽ giảm theo, lợi nhuận của nông dân tăng lên”.
Ngoài ra, cũng theo Ông Lê Thanh Tùng, ý nghĩa lớn hơn của việc giảm lượng giống gieo sạ là tăng tính cạnh tranh về xuất khẩu gạo. Đồng thời, khi giảm lượng giống gieo sạ kéo theo việc giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp mức độ an toàn thực phẩm tăng lên, tạo thuận lợi cho việc đạt các tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu khó tính, như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam an toàn, thân thiện tốt hơn.
Trước đó, tại Lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL tổ chức ở TP. Cần Thơ ngày 1/8/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đồng tình bỏ tư duy sản lượng lúa nhất nhì thế giới mà phải tiếp cận cách khác, với giá trị khác. "Chứ chạy theo sản lượng, đánh đổi thế này sẽ tạo ra liên lụy mà chưa lường trước được hết".