Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn

Nhằm chủ động phòng ngừa, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ phát sinh chất thải rắn gia tăng...UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo đơn vị tư vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tích cực phối hợp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30/3/2023.

Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ điều tra, thống kê lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được thu gom, xử lý trên địa bàn tỉnh khoảng 550 tấn/ngày (tại các đô thị, khu dân cư tập trung), công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa thực hiện; tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực đô thị trung bình đạt khoảng 75 - 80%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 50%. Lượng CTR y tế phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 - 7.000 kg/ngày, trong đó, chất thải y tế lây nhiễm khoảng 900 - 1.400 kg/ ngày (chiếm khoảng 10 - 15% CTYT phát sinh).

3057-image001-1-1676797332.jpg

Tỉnh Quảng Ngãi đẩy mạnh triển khai hiệu quả công tác thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh có gần 50% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sử dụng phương pháp chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp là các bãi hở, không hợp vệ sinh, gây phát tán mùi hôi và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh. Đa số các đơn vị không có vị trí điểm lưu trữ/trung chuyển rác, toàn bộ chất thải sau khi thu gom được chuyển trực tiếp về khu xử lý ở các vùng.

Mặc dù tỷ lệ thu gom rác thải đô thị có tăng, nhưng vẫn chưa đảm bảo được công suất xử lý hằng ngày. Trên địa bàn tỉnh chưa áp dụng chương trình phân loại rác tại nguồn; nhiều bãi chôn lấp ở các xã không hợp vệ sinh, mỗi xã có một bãi chôn lấp hoặc điểm tập kết rác tự phát tại các khu đất trống. Thực trạng này gây nguy cơ Quảng Ngãi sẽ trở thành điểm nóng ô nhiễm môi trường về chất thải rắn.

Để giải quyết thực trạng trên, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tư vấn và Sở TN&MT tỉnh cần tổng hợp ý kiến, rà soát, bổ sung những ý kiến đóng góp, nhằm hoàn thiện đề án theo hướng sát thực với tình hình địa phương, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý thu gom, xử lý rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường biển. Nguồn lực tài chính có thể là xã hội hóa hoặc ngân sách đầu tư, đảm bảo cam kết về thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, bảo vệ môi trường.

Theo đề án, đến năm 2025 tổng khối lượng rác thải rắn phát sinh khoảng 418 nghìn tấn/năm; đến năm 2030, tổng khối lượng phát sinh gần 470 tấn/năm, ngoài ra còn có lượng rác thải công nghiệp, rác thải y tế, rác thải nông nghiệp phát sinh không nhỏ. Giải pháp thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt được đưa ra khá đồng bộ, phù hợp, thiết thực đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện tại và tương lai.

Mục tiêu của đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn là phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững. Đến năm 2025, đối với chất thải rắn công nghiệp, trên 65% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề và trên 55% chất thải rắn nguy hại tại hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

03-lswu-1-1676797352.jpg

Chất thải được thu gom, xử lý tại các Nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh, hạn chế tình trạng chôn lấp (ảnh minh họa)

Về chất thải rắn sinh hoạt, trên 92% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị và trên 65% tại nông thôn được thu gom, xử lý. Trên 80% túi nylon thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị thay thế túi nylon khó phân hủy. Trên 40% hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Trên 90% lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được phân loại thu gom, xử lý đúng quy định.

Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Lựa chọn vị trí và xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn đúng quy định. Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.