Bắc Ninh: Tìm giải pháp căn bản xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Lượng chất thải rắn sinh hoạt tồn đọng ngoài môi trường ở các địa phương chưa có khu xử lý chất thải tập trung cơ bản được giải toả; các điểm bức xúc về chất thải bước đầu được xử lý; tình hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện bài bản, dần đi vào nền nếp... cho thấy chất lượng môi trường ngày càng được cải thiện.

Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng đi vào hoạt động trong năm 2023 sẽ là giải pháp căn bản xử lý triệt để lượng chất thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm các yếu tố môi trường sạch, đẹp, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội hài hòa, bền vững. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, hiện tại mới thu gom đạt tỷ lệ 95%, xử lý đạt hơn 80%. Lượng chất thải còn lại vẫn nằm tại các điểm tập kết nhỏ, lẻ trong khu dân cư theo hình thức thu gom, đánh đống, phun chế phẩm sinh học để làm xẹp rác và khử mùi hôi phát tán.

Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các sở, ngành, các huyện, thành phố, tổ chức đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2019-2025. Giám sát vận hành hoạt động của nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát, Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thiện Tâm và các lò đốt rác công suất nhỏ. Yêu cầu các nhà máy hoạt động hết công suất, tiếp nhận, xử lý một lượng rác thải nhất định ở các địa bàn bức xúc về chất thải rắn sinh hoạt mà chưa có khu xử lý tập trung trong tỉnh, nhằm giảm bức xúc trong cộng đồng dân cư về ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt.

Ban hành văn bản gửi các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt về việc kiểm tra thực hiện công tác bảo vệ môi trường; việc đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kết nối và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để có sự giám sát chặt chẽ, đúng quy định trong quá trình thu gom, xử lý. Tiếp tục hướng dẫn công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đối với các trường hợp mắc COVID-19 và các loại vi rút cúm có nguy cơ lây lan quản lý tại nhà, hạn chế thấp nhất hiện tượng phát tán mầm bệnh ra cộng đồng từ chất thải. Rà soát, thống kê nhu cầu mua xe gom rác của các huyện, thành phố để xây dựng phương án cung cấp đủ xe thu gom rác cho các địa phương, phục vụ tối ưu nhu cầu vận chuyển rác thải từ khu dân cư ra các điểm tập kết.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành xem xét xử lý rác thải sinh hoạt tại thị trấn Chờ (Yên Phong) theo công nghệ lò đốt (một trong những điểm bức xúc về chất thải rắn sinh hoạt); bàn giải pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do lò đốt rác thải sinh hoạt phường Đình Bảng (thành phố Từ Sơn) gây lên; xem xét kiến nghị của các huyện Tiên Du, Lương Tài, Yên Phong đề nghị vận chuyển rác thải sinh hoạt tại các điểm bức xúc trên địa bàn huyện về khu xử lý chất thải tập trung; kiến nghị của Công ty Cổ phần tập đoàn Hanaka về việc thuê đơn vị vận chuyển để xử lý chất thải nằm trên phần đất quy hoạch giao cho Công ty xây dựng CCN làng nghề Mẫn Xá và khu nhà ở xã Văn Môn (Yên Phong), nhằm giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng nhiều năm tại đây.

2-20-1668659209.jpg
Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Quế Võ

Hiện nay, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Môi trường Đô thị Hùng Phát tiếp nhận, xử lý khoảng 300 tấn/ngày rác thải của huyện Quế Võ và thành phố Bắc Ninh; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành tiếp nhận hơn 100 tấn/ngày của huyện Thuận Thành; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Môi trường và Đầu tư xây dựng Bắc Hải tiếp nhận khoảng gần 100 tấn/ngày của huyện Gia Bình. Một phần rác sinh hoạt đang được thu gom, xử lý tại các lò đốt công suất nhỏ tại các huyện Tiên Du, Yên Phong và thành phố Từ Sơn. Các Nhà máy đốt rác phát điện chưa đi vào hoạt động, khiến công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn bức xúc tại các địa phương nằm ven khu, cụm công nghiệp, có lượng công nhân sinh sống, làm việc tăng cao.

Ngành Tài nguyên, Môi trường tiếp tục kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ bổ sung mua sắm, trang bị xe vận chuyển, xe gom, thùng đựng rác thải sinh hoạt phục vụ cho việc phân loại tại nguồn. Khuyến khích, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác thải bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO tại hộ gia đình, nhằm làm giảm lượng chất thải phát sinh phải xử lý. Triển khai mô hình thí điểm xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp thủy phân rác thải sinh hoạt trên nguyên tắc: “Không đốt-không chôn-không phát thải thứ cấp” tại một số địa phương của huyện Tiên Du.

Thành lập HTX hoặc tổ chức dịch vụ môi trường tại các địa phương để thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình đến điểm tập kết và quản lý các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt bài bản, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Yêu cầu các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trồng dải cây xanh xung quanh các khu xử lý chất thải tập trung và lò đốt rác nhằm ngăn ngừa sự phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh đồng thời tạo cảnh quan, môi trường sinh thái khu vực xử lý.

Năm 2023 sẽ hứa hẹn về đích sớm mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư trên địa bàn toàn tỉnh được phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển về nơi xử lý theo quy định (mục tiêu năm 2025) khi các Nhà máy đốt rác công nghệ cao phát năng lượng đi vào hoạt động, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ Bắc Ninh hành động vì môi trường sạch./.

Lê Hà