Dấu ấn ngành nông nghiệp Quảng Ngãi sau 35 năm tái lập tỉnh

Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 5,3%/năm, giai đoạn 1989-2024. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Song, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận.

Trong suốt 35 năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, ngành nông nghiệp cũng đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thách thức để đạt những thành tựu nhất định. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng ổn định, bền vững, ngày càng hiện đại, đời sống người dân ngày càng phát triển, văn minh.   

1000004362-1719572086.jpg
Cơ giới hóa toàn bộ trong quá trình sản xuất. Ảnh minh họa

Nhờ định hướng đúng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị và thị trường tiêu thụ. Đã tạo cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi có những bước đột phá, tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Năm 2023, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 19.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2024, nông nghiệp của tỉnh ước đạt trên 19.400 tỷ đồng, gấp 6 lần giá trị sản xuất vào năm 1989. Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng toàn ngành giai đoạn (1989-2024) đạt 5,3%/năm.

Quảng Ngãi ưu tiên phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, nhiều chính sách, chủ trương lớn được ban hành, tập trung đưa ngành nông nghiệp tỉnh bức phá. Đề án thực hiện cánh đồng mẫu lớn được các địa phương triển khai đồng bộ, máy móc, cơ giới được đưa vào sử dụng ngay từ khâu ban đầu; nhiều mô hình, dự án được triển khai hiệu quả, sản xuất phát triển theo hướng chuỗi giá trị liên kết… Nhiều vùng nguyên liệu được qui hoạch tập trung theo thế mạnh từng địa phương như: mía, mì, cây dược liệu, nguyên liệu gỗ, các loại cây trồng cho chăn nuôi tập trung…

san-1719572201.jpg
Nhiều vùng nguyên liệu được qui hoạch tập trung dựa trên thế mạnh của các địa phương. (Ảnh T.Chung)

Lâm nghiệp là lĩnh vực mang lại nhiều giá trị kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào phát triển chung của toàn ngành. Kinh tế rừng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh từ việc xuất khẩu gỗ và dăm gỗ. Kế hoạch đến năm 2024, diện tích đất có rừng ước đạt 333.051 ha, gấp 2,8 lần so với năm 1989, độ che phủ rừng tăng từ 19% lên 52% và giữ ổn định đến năm 2030, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt trên 2,5 triệu m3, gấp 172 lần so với năm 1989.        

Lĩnh vực thủy sản là một trong những thế mạnh của Quảng Ngãi, tốc độ tăng trưởng cao. Toàn tỉnh có trên 4.200 tàu cá đăng ký, với tổng công suất hơn 1,7 triệu CV. Sản lượng đánh bắt năm 2024 ước đạt 265.000 tấn, gấp hơn 10,8 lần so với năm 1989.

tau-iuu-1719569683.jpg
Ngành thủy sản được xem là thế mạnh của tỉnh Quảng Ngãi, sở hữu đội tàu tương đối lớn. (Ảnh T.Chung)

Ngành chăn nuôi cũng có bước phát triển đáng kể, từ qui mô nhỏ lẻ, manh múng, chất lượng thấp chuyển đổi mạnh sang mô hình chăn nuôi tập trung, qui mô lớn, theo hướng công nghiệp. Nhiều trang trại chăn nuôi tập trung có số lượng hàng ngàn con, được đầu tư chuồng trại, hệ thống bài bản, đạt tiêu chuẩn. Chất lượng con giống được chuẩn hóa (tỉ lệ bò lai đạt 78,4%/tổng đàn, năm 2023).

Đến nay, toàn tỉnh có 95/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 64,2%. Trong đó, có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 02 huyện Nghĩa Hành và Tư Nghĩa đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Về lĩnh vực OCOP, hiện nay đã công nhận 190 sản phẩm đạt chuẩn, trong đó có 17 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.

1000004360-1719572119.jpg
Phát triển chương trình OCOP góp phần nâng tầm giá trị các sản phẩm từ nông nghiệp. (Ảnh CTTQN)

Trong suốt thời kỳ 35 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, thuận lợi và khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của tỉnh, ngành nông nghiệp gặt hái được nhiều thành công.

Để ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển ngày càng tốt hơn, đòi hỏi cần có những chính sách, quyết sách, tư duy, cách làm hay và bền vững. Đổi mới phương thức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới./.

Thành Chung