Quảng cáo #128

Đảm bảo lợi ích các bên liên quan khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống

Theo các chuyên gia, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cần đánh giá những ảnh hưởng của việc đánh thuế lên doanh nghiệp như thế nào, có thể bù đắp được cho việc thay đổi hành vi tiêu dùng hay không.
viewimage-1723092704.jpg
Đảm bảo lợi ích các bên liên quan khi sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành đồ uống. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi và sẽ được Quốc hội thảo luận vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), hiện có nhiều điểm mới đáng chú ý và có ảnh hưởng lớn tới ngành đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng.

Tại dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đề xuất lộ trình tăng thuế suất đến năm 2030 với đồ uống có cồn. Đề xuất này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành đồ uống.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất từ năm 2026 dự kiến khi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Về bước nhảy thuế suất, dẫn khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10%, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án về thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.

Phương án 1: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025; Phương án 2: Năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025.

Chia sẻ về vấn đề này tại “Hội thảo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Ngành đồ uống vào sáng" ngày 8/8, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết: Là đất nước có nền kinh tế mở và hội nhập, do đó, nền kinh tế Việt Nam bị tác động khá mạnh từ suy thoái kinh tế thế giới. Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề môi trường pháp lý, nghĩa vụ tài chính, và chi phí đầu, đơn hàng và nguồn nhân lực.

Đặc biệt, đối với ngành đồ uống, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với những khó khăn riêng. Đó là không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn. Bên cạnh đó  việc tăng thuế đối với đồ uống có đường chưa chắc đã giúp giảm tỷ lệ các căn bệnh béo phí, tim mạch vì căn bệnh này có nhiều nguyên nhân khác.

z5709949980579-46608611c0b035344bd07edf3345b802-1723092716.jpg
“Hội thảo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Ngành đồ uống vào sáng. Ảnh Hương Lan

Đặc biệt, việc tăng mạnh và nhanh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đóng góp Ngân sách Nhà nước lâu dài. Tạo ra tình huống “khó chồng khổ" đối với doanh nghiệp và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan (bao bì, vận tải, du lịch, dịch vụ ăn uống). Đó là chưa kể đến, dự thảo luật còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau. Khó điều tiết hành vi tiêu dùng.

Từ đó, ông Lực khuyến nghị, dự thảo luật cần có sự hài hòa lợi ích, trách nhiệm và tính khả thi đối với Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Có đánh giá tác động đầy đủ, có cơ sở khoa học và thực tiễn.

“Những mặt hàng đưa vào đối tượng chịu thuế cần làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam (như nước giải khát có đường chẳng hạn). Đồng thời, cần đánh giá tác động ngân sách Nhà nước và các mặt khác một cách đa chiều hơn, cả trước mắt và lâu dài”, ông Lực nhấn mạnh.

Làm sao bảo đảm công bằng và hợp lý hơn theo hướng áp thuế suất theo nồng độ cồn, hàm lượng đường, tránh hiện tượng cào bằng khi áp thuế. Nên xem xét cả phương pháp tính thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp thay vì chỉ tính thuế tương đối.

Cần đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp để bảo vệ các sản phẩm chính ngạch, chống buôn lậu, trốn thuế, hàng nhái, hàng giả. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của cả người dân và doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực của cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho hay: Chúng tôi nhất trí cao quan điểm điều tiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống có cồn, rượu bia. Tuy nhiên việc tăng thuế không quá đột ngột và có lộ trình để các tổ chức kinh doanh có  thời gian chuyển đổi, không ảnh hưởng quá lớn đến các doanh nghiệp sản xuất , kinh doanh thương mại, dịch vụ ăn uống, đến thị trường và người lao động trong chuỗi cung ứng liên hoàn này.

Với kinh nghiệm quốc tế, bà Bùi Thị Việt Lâm, Đại diện Quốc gia, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam cho biết: Trên thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt giúp tăng ngân sách, định hướng sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân.  Đồng thời đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của GDP. Tuy nhiên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn rất khác nhau giữa các quốc gia tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.  

Do đó, bà Bùi Thị Việt Lâm cho rằng, việc tăng thuế sẽ làm tăng thêm khoảng cách lợi ích giữa sản phẩm chính thức và bất hợp pháp, từ đó tạo động lực buôn lậu phát triển. Vì vậy, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để để áp dụng một cách hài hòa, hợp lý phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

Đồng thời, cần đánh giá toàn diện các tác động đối với đối tượng trực tiếp và các đối tượng gián tiếp, kinh tế, xã hội để tránh những ảnh hưởng tiêu cực, lan tỏa, không mong muốn hoặc thậm chí tác dụng ngược. Cân nhắc việc tăng thuế cao gây sốc thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp, kinh tế, xã hội. Bên cạnh công cụ thuế cần đi kèm các công cụ khác như tăng cường chống buôn lậu, kiểm tra giám sát việc tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục./.

Hương Lan