Đề xuất tăng thuế thuốc lá và áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Sáng nay (31/7), tại Thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế. Sự kiện này được tổ chức trong bối cảnh, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Sự kiện có sự tham gia đại diện của 9 đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (H.B).

thue-thuoc-la-do-uong-co-duong-3-1722413189.jpg
Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế.

Nhận diện tác hại của thuốc lá và đồ uống có đường

Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Khánh Phương- Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho hay, có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm, trong đó có hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối, …

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khoẻ, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.

Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

Bà Khánh Phương cho biết thêm, trong bối cảnh đáng lo ngại nêu trên, để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (BKLN) ở nước ta, Nghị quyết 20 –NQ/TƯ (ngày 15/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân.

thue-thuoc-la-do-uong-co-duong-4-1722413223.jpg
Bà Nguyễn Khánh Phương - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phát biểu tại sự kiện.

Trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, theo đó, từ năm 2026, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vẫn giữ mức thuế 75% như hiện hành và áp dụng mức thuế tuyệt đối cho mỗi bao thuốc lá là 5.000 đồng, từ năm 2030 là 10.000 đồng.

Ths.Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (Healtha Bridge) đề nghị: “Chúng tôi khuyến nghị rằng chính sách thuế của thuốc lá Việt Nam cần chuyển đổi, cải cách để áp dụng phương pháp tính thuế hiệu quả theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đó là bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh thuế tỷ lệ để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp, đồng thời cần tăng mạnh mức thuế thuốc lá để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc và tiến tới mức thuế đạt ít nhất từ 70 - 75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của WHO”.

Đồng thuận việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và đồ uống có đường

Trong Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, lần đầu tiên Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong mỗi lon nước ngọt thường chứa khoảng 35g đường, tương đương 140 kcal, là nguyên nhân tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì và mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Trong đó tỷ lệ trẻ em thừa cân béo phì tăng gấp hơn 2 lần trong hơn 10 năm qua.

Còn theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, đến nay đã có 104 quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, 13 quốc gia ban hành các chính sách thuế khác trên toàn quốc nhằm tăng giá của đồ uống có đường; Đặc biệt có 6 nước đánh thuế dựa vào hàm lượng đường trong sản phẩm.

Ngoài ra còn áp dụng chính sách giảm tính sẵn có của đồ uống có đường. TS.Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế khẳng định: “Đã có nghiên cứu cho thấy rằng, biện pháp áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho thấy hiệu quả rất cao và tính hiệu lực tức là cái tác dụng tác động nó có ngay trong khi đó mà truyền thông thay đổi nhận thức thì lại phải có thời gian và cũng phải "mưa dầm thấm lâu" trong khi vấn đề rất cấp bách”.

thue-thuoc-la-do-uong-co-duong-1-1722413274.jpg
Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

Theo Nghị quyết 129 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 8 (vào tháng 10 tới) và sẽ thông qua luật này tại kỳ họp thứ 9 (vào tháng 5, năm 2025). Bà Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đánh giá: Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường do Bộ Y tế tổ chức rất cần thiết đối với những người làm chính sách.

“Những thông tin mà các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế cung cấp rất có ý nghĩa để các đại biểu Quốc hội nâng cao nhận thức, có sự quan tâm đặc biệt hơn đối với những vấn đề này. Những bằng chứng này, cùng với những gì mà chúng tôi đã ghi nhận được trong thực tế để đóng góp ý kiến, chúng tôi sẽ có đầy đủ thông tin để góp phần xây dựng chính sách pháp luật một cách thuyết phục…” - bà Lò Thị Luyến nói.

thue-thuoc-la-do-uong-co-duong-5-1722413167.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra tại cơ sở kinh doanh thuốc lá, thuốc lá điện tử. (Ảnh: Cục QLTT TP.HCM)

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chuyên gia dinh dưỡng, UNICEF Việt Nam đã nêu bật tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi xây dựng trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào đầu năm 2025./.

Bình Châu