Thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có đường: Chuyên gia lo ngại những hệ lụy nghiêm trọng chưa được đánh giá

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho đồ uống có đường đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi mục tiêu của chính sách này là nhằm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, các nghiên cứu và ý kiến của chuyên gia cho thấy nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội nghiêm trọng chưa được đánh giá toàn diện.
tang-thue-do-uong-co-duong-3-1720532861.jpg
Trong 20 năm qua, khi cuộc sống vật chất của người Việt Nam tốt hơn thì tiêu thụ đồ uống có đường cũng tăng mạnh, gần 10 lần. (Ảnh minh họa)

Lo ngại ảnh hưởng đến ngành nước giải khát và công nghiệp phụ trợ

Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM về đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 880,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Phụng Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam chia sẻ trong "Hội thảo khoa học Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: nguyên nhân và khuyến nghị các giải pháp phòng chống", do Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khoẻ Cộng đồng Việt Nam tổ chức (VACHE) quan ngại về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không giúp đạt mục tiêu tăng ngân sách quốc gia, mà ngược lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nước giải khát, các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

Doanh nghiệp hiện nay đang phải gánh chịu cùng lúc rất nhiều loại thuế và chi phí như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, phí tái chế, xử lý chất thải, các loại chi phí để thực hiện các trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính, phí đối với khí thải, phí nước thải (đang chuẩn bị bổ sung). Các loại chi phí này sẽ gia tăng thêm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang vật lộn với quá trình phục hồi sau đại dịch và sự khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

tang-thue-do-uong-co-duong-1-1720532919.jpg
Theo Báo cáo Nghiên cứu của CIEM, nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10%, nền kinh tế sẽ phải gánh chịu thiệt hại lên tới 880,4 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng đối với đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào đầu tháng 4/2024, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh đến những tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe của con người.

Bằng chứng toàn cầu cho thấy rằng tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng, ngoài ra là một nguyên nhân dẫn tới thừa cân và béo phì. Đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, theo Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam.

TS Angela Pratt nhận xét trong 20 năm qua, khi cuộc sống vật chất của người Việt Nam tốt hơn thì tiêu thụ đồ uống có đường cũng tăng mạnh, gần 10 lần. Năm 2002, trung bình mỗi người tiêu thụ mỗi năm khoảng 6 lít đồ uống có đường thì đến năm 2021, con số này đã là 53,78 lít. Tính ra, mỗi người Việt đang uống khoảng 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.

Ở góc độ chuyên gia, nghiên cứu viên Nguyễn Thị Thùy Duyên thuộc Đại học Y tế Công cộng cho biết hơn 100 quốc gia trên thế giới đã tăng thuế với loại mặt hàng này. Điểm tên thì có Ireland tăng thuế với đồ uống có đường năm 2013, Ấn Độ (2014), Nam Phi (2014), Indonesia (2018) hay Zambia (2020)… Mức thuế được đẩy lên mức 11-25% tùy loại.

Đến từ WHO, ông Nguyễn Hùng Lâm cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm đồ uống có đường nên tối thiểu 20% mới đủ tạo ra tác động. Ngoài ra cần áp thuế dựa trên lượng đường trong sản phẩm để khuyến khích doanh nghiệp dịch chuyển sang dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe con người hơn.

Tranh cãi về tính hiệu quả trong cải thiện sức khoẻ toàn dân

Tuy nhiên theo quan điểm của một nghiên cứu viên khác của tổ chức Health Trend cho rằng việc tăng thuế này chưa giảm được nhiều tỷ lệ người thừa cân, béo phì, đái tháo đường.

Như Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng đến năm 2016-2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tại nước này vẫn tăng, từ 19,2% lên 30,3% đối với nam giới và từ 30,7% lên 38,4% đối với nữ giới.

Tương tự, tại Mexico sau hai năm áp thuế, lượng tiêu thụ đồ uống có đường ở Mexico có xu hướng tăng trở lại. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em nước này vẫn gia tăng liên tục trong giai đoạn 2012-2021...

Theo ý kiến này, ngoài thuế thì cần một công cụ toàn diện hơn để giảm thiểu tình trạng béo phì, tiểu đường.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống nội địa trong thời gian gần đây cũng thể hiện quan điểm băn khoăn về các đề xuất tăng thuế với đồ uống có đường.

tang-thue-do-uong-co-duong-4-1720533132.jpg
Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. (Ảnh minh họa)

 

Có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nêu nguyên nhân đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, với mục đích kiểm soát thừa cân béo phì, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, tính hiệu quả của đề xuất này hiện chưa đủ sức thuyết phục.

 

Thứ nhất: không có đủ bằng chứng khoa học cho thấy nước giải khát là nguyên nhân trực tiếp gây thừa cân béo phì.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết những lý do chính gây ra thừa cân béo phì bao gồm chế độ dinh dưỡng không hợp lý (tiêu thụ nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao), thiếu vận động thể chất, do di truyền hoặc nội tiết.

Một báo cáo của Viện dinh dưỡng đã chỉ ra rằng tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%)2

Thứ hai, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát không đảm bảo giải quyết được các bệnh không lây nhiễm, bao gồm thừa cân béo phì.

Cụ thể, Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết nếu đánh thuế đối với mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác, mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm. Công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hoá buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, việc áp thuế TTĐB lên đồ uống có đường cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh những hệ lụy không mong muốn. Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế - xã hội và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà không gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp mới trải qua dịch COVID-19 và thậm chí còn chưa phục hồi được hoạt động kinh doanh là không hợp lý.

“Hiện chi phí đầu vào và nguyên liệu thô cho sản xuất như giá hoa houblon, vỏ lon, nắp chai, các nguyên phụ liệu, chi phí vận chuyển... đã tăng cao hơn so với mức lạm phát. Các nhà máy sản xuất đang chịu giá đầu vào tăng 20%-40% trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh và giá bán không thể tăng”, ông Tuấn phân tích./.

Bình Châu