Các báo cáo nông nghiệp cho thấy, trong những năm qua, diện tích, năng suất cũng như sản lượng trong trồng trọt lẫn chăn nuôi đều tăng nhanh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng các loại VTNN tăng cao so với trước. Hàng năm, nông dân sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng hơn 500 tấn các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Ngoài ra, còn có 1,5 triệu các loại cây giống. Tất cả tương đương với tổng số tiền khoảng hơn 9.000 tỷ đồng/năm.
Thiệt hại vì VTNN kém chất lượng
Ông Vũ Văn Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nâm N’đir cho biết trong những năm qua nhiều nông dân trên địa bàn huyện Krông Nô gặp phải trường hợp sử dụng phân bón kém chất lượng. Sản phẩm không đáp ứng hiệu quả, có trường hợp làm vườn cây trồng ngộ độc, suy kiệt, cháy khô.
Ngược lại, nông dân hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm do doanh nghiệp hay đại lý kinh doanh VTNN cung cấp. Hầu như nông dân nào sau khi phun thuốc rồi mới biết tác dụng của thuốc, phân bón đó là gì. Đa số các đại lý bán thuốc BVTV tư vấn cho nông dân sử dụng các loại thuốc một cách cảm tính.
Ông Phong bày tỏ: “Nông dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý đối với các đại lý kinh doanh VTNN kém chất lượng. Có vậy thì mới giúp nông dân yên tâm sử dụng các loại phân bón hay thuốc BVTV bảo đảm chất lượng cho sản xuất nông nghiệp”.
Ông Mai Văn Quyền ở xã Đắk D’rô (huyện Krông Nô) có 6ha cà phê và hồ tiêu. Mỗi năm, ông Quyền sử dụng trên 30 tấn phân hỗn hợp, phân nước và một lượng lớn thuốc BVTV. Ông Quyền cho biết: “Trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phân bón, thuốc BVTV phải đảm bảo chất lượng và quy định của Nhà nước đề ra. Nó giúp tôi tránh mua phải các sản phẩm giả, kém chất lượng”.
Cũng theo ông Quyền, khi nguồn VTNN bảo đảm tiêu chuẩn đúng như cam kết xuất xưởng, người nông dân sẽ gặp thuận lợi và an toàn hơn trong sản xuất. Nông sản phẩm cũng bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Chân - Chi cục phó Chi cục NN&PTNT tỉnh cho biết bên cạnh các loại VTNN có thương hiệu và đạt chất lượng thì có những loại VTNN kém chất lượng, mù mờ nguồn gốc xuất xứ vẫn lưu thông trên địa bàn. “Tình trạng này tiếp diễn phần lớn là do một số tiểu thương ham lợi nhuận, trà trộn nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Nó không chỉ gây thiệt hại cho sản xuất mà còn làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, các đơn vị sản xuất và kinh doanh chân chính.”
Phải kiểm soát ngay từ đầu vào
Tính đến thời điểm hiện nay, trên toàn địa bàn Đắk Nông có 3 nhà máy sản xuất phân bón đã đi vào hoạt động, công suất đạt được khoảng 137.500 tấn/năm. Ngoài ra, có khoảng 20 nhà phân phối phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng. Tỉnh hiện chưa có cơ sở sản xuất, sang chai, đóng gói thuốc BVTV, thuốc thú y và trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Việc cung ứng VTNN còn phụ thuộc các đơn vị ở địa phương khác.
Điều này đã làm cho VTNN ở Đắk Nông tăng giá thành và bị động nguồn cung tại chỗ gây khó khăn cho nông dân. Tình trạng thiếu hụt VTNN vẫn còn xảy ra cục bộ vẫn còn xảy ra rải rác ở một vài địa phương, nhất là lúc bước vào mùa nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV tăng cao.
Theo quan điểm của ngành Nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên một phần là do hệ thống quản lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật chưa thống nhất và đồng bộ. Cùng với đó, các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý VTNN chưa có tính cụ thể, kịp thời và khả thi.
Thanh tra Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết trong năm 2023 đơn vị đã tiến hành kiểm tra tập trung nhiều mặt hàng phân bón, thuốc BVTV trên thị trường có nghi ngờ về chất lượng, bao gồm: phân bón lá, phân bón vi lượng mới. Cụ thể, đơn vị đã thanh tra ngẫu nhiên 121 cơ sở sản xuất - kinh doanh phân bón và thuốc BVTV. Kết quả, có 6/20 mẫu không đạt chất lượng. Trong đó, có 1 mẫu phân bón NPK và 1 mẫu phân bón lá là loại kém chất lượng. Ngoài ra, có 2 mẫu phân bón lá và 2 mẫu phân bón vi lượng là hàng giả.
Cùng lúc, đơn vị đã thanh tra 79 cơ sở và thu thập 10 mẫu thuốc BVTV. Kết quả phân tích cho thấy có 2/10 mẫu không đảm bảo chất lượng và không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Từ các kết quả này, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã ban hành 8 quyết định xử phạt các đơn vị vi phạm. Ngoài ra, trong năm 2023 Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cũng xử lý 3 trường hợp kinh doanh thuốc BVTV vi phạm về nhãn mác, không đúng bản chất sự thật về hàng hóa và xử phạt 30 triệu đồng.
Để kiểm soát tình trạng VTNN kém chất lượng và giả, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã ban hành các văn bản gửi cho Sở NN&PTNT ở các tỉnh thành khác như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ… để cùng phối hợp xử lý các hành vi sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả kém chất lượng của các cơ sở sản xuất ở địa bàn các tỉnh.
Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ hơn nữa
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp ở địa phương đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, liên tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng VTNN. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh còn thường xuyên tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra. Nhiều vụ sử dụng VTNN giả, kém chất lượng được xử lý kịp thời, kéo giảm đáng kể thiệt hại cho người nông dân.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng VTNN đã được tỉnh đẩy mạnh, sâu sát và kịp thời hơn trước. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ mang tính chất định hướng, cảnh báo và khuyến khích ý thức chứ chưa thể bắt buộc người dân phải thực hiện ngay.
Ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: “Tỉnh liên tục tuyên truyền và khuyến cáo nông dân sử dụng VTNN bảo đảm chất lượng, có địa chỉ rõ ràng. Đồng thời, đối với những sản phẩm giá rẻ, quảng cáo sai sự thật hay những giống cây trồng mới chưa được công nhận thì bà con nông dân cũng nên đề cao cảnh giác”, ông Đông nêu rõ.
Căn cứ vào tình hình chuỗi sản xuất, cung ứng, sử dụng và công tác quản lý Nhà nước về VTNN, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa, không để các sản phẩm VTNN giả và kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.
Cũng theo ông Ngô Xuân Đông, trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng siết chặt công tác quản lý VTNN. Trong đó, tăng cường thanh - kiểm tra, đặc biệt là thanh - kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất kinh doanh lẫn chất lượng VTNN tại các cơ sở
“Ngành Nông nghiệp luôn coi trọng công tác tuyên truyền, tập huấn giúp nông dân nâng cao cả về kiến thức và nhận thức về công tác quản lý chất lượng VTNN. Từ đó, họ càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của VTNN đối với môi trường, an toàn thực phẩm, sức khỏe của con người cũng như các hoạt động sản xuất khác”, ông Đông nhấn mạnh./.