Nghịch lý giá tạo áp lực cho ngành vật tư nông nghiệp

Trong những năm qua, giá các vật tư đầu vào liên tục tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lại rất bấp bênh, đặt ra nhiều thách thức cho ngành vật tư nông nghiệp Viêt Nam.
vat-tu-nong-nghiep-1703839601.jpg
Phát triển ngành vật tư nông nghiệp còn nhiều thách thức. Ảnh minh họa

Vật tư nông nghiệp là các sản phẩm đầu vào của sản xuất nông nghiệp, bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, bởi chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện đang chiếm từ 64 - 68% trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Theo số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có tổng số nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện nay 841 cơ sở với tổng công suất sản xuất là 39,25 triệu tấn/năm. Trong đó, 576 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ với công suất 25,78 triệu tấn/năm chiếm 87,1%; 265 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học với công suất 3,47 triệu tấn/năm chiếm 13%). Năng lực sản xuất phân bón hữu cơ quy mô công nghiệp tăng gấp hơn 3 lần (tăng từ 1,07 triệu tấn/năm lên 3,47 triệu tấn/năm), tỷ trọng công suất phân bón hữu cơ tăng từ chiếm 9,5 % lên chiếm 13% và tỷ trọng công suất sản xuất phân bón vô cơ giảm từ chiếm 90,5% xuống còn 87,1%. Về phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận lưu hành là 24.349 sản phẩm.

Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023, đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD. Riêng về phân bón, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD. Cũng trong 7 tháng năm 2023, lượng phân bón nhập khẩu cả nước đạt gần 2,01 triệu tấn, trị giá trên 674,81 triệu USD. Như vậy, lượng phân bón nhập khẩu hiện vẫn cao gấp hơn 2 lần so với xuất khẩu. Còn về lĩnh vực bảo vệ thực vật thì nhập khẩu vẫn là cơ bản, chúng ta vẫn thường xuyên phải nhập từ 65 - 80% nguyên liệu sản xuất và lượng thuốc bảo vệ thực vật từ nước ngoài. Từ đó cho thấy, vật tư nông nghiệp đang nhập siêu, nhập gấp đôi xuất trái ngược với thực tế nông sản đang xuất siêu nhiều năm nay.

phan-bon-1703839601.jpg
Phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Chia sẻ thêm về thực trạng sử dụng vật tư nông nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho hay, vấn đề nổi cộm hiện nay là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao và tiếp tục thúc đẩy hậu quả của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nhiều năm thiếu kiểm soát thêm sâu sắc. Ngân hàng thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.

Do đó, TS. Nguyễn Trí Ngọc đề nghị các đơn vị sản xuất và kinh doanh ngành vật tư nông nghiệp uy tín trong nước đẩy mạnh hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn trong sản xuất và cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao nhất. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp.

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, để siết chặt quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngành Nông nghiệp cần phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn văn bản quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinhdoanh; nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về sản xuất, kinh doanh cũng như tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; tăng cường thông tin, tuyên truyền giúp nông dân, người tiêu dùng nhận biết, phân biệt được những sản phẩm thật - giả, sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…; khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, phân bón vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc... không sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Còn đối với việc nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí và đẩy giá thành sản xuất lên cao. TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân. Đồng thời, nông dân cần căn cứ vào tính chất cây trồng, vật nuôi và mùa vụ để sử dụng phân bón và thức ăn chăn nuôi hiệu quả theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng thời vụ, thời tiết và đúng phương pháp). Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để vừa giảm chi phí sản xuất đồng thời giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm./.

Hương Lan