Đắk Lắk chuẩn bị tốt các phương án cho vụ mùa cà phê bội thu

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và để mùa vụ thu hoạch cà phê đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Chỉ thị về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê niên vụ 2024 - 2025.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND cấp xã cùng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy, không để ảnh hưởng đến chất lượng cà phê khi thời tiết mưa kéo dài; xử lý nghiêm các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non.

cf6-1730941581.png
Tác hại của hái cà phê xanh

Hiện nay, Đắk Lắk đang vào đợt thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025, dự kiến kéo dài từ tháng 11/2024 - 1/2025. Cùng thời điểm này, dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá. Ngoài ra, lượng mưa từ tháng 11/2024 - 1/2025 dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn và mùa mưa có khả năng kết thúc muộn so với trung bình nhiều năm.

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương tăng cường kiểm soát chất lượng cà phê, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ. Ngoài ra, ngành nông nghiệp, UBND cấp huyện chỉ đạo triển khai tốt Kế hoạch tái canh cà phê, thực hiện đúng quy trình tái canh; tuyên truyền, vận động nông dân không tự phát mở rộng diện tích cà phê, tăng cường áp dụng các biện pháp thâm canh, cải tạo diện tích cà phê hiện có theo xu hướng sản xuất cà phê bền vững, tưới nước tiết kiệm.

cf4-1730941544.jpg
Người dân thu hoạch cà phê.

Công an tỉnh chỉ đạo xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. Sở Công Thương nắm bắt nhu cầu về tiêu thụ nông sản để thực hiện kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ cà phê; xúc tiến tiêu thụ nông sản; kết nối doanh nghiệp thu mua nông sản tại các vùng trồng được cấp mã số, đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; thường xuyên dự báo tình hình diễn biến thị trường, có giải pháp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê, nhất là nguồn vốn vay để tái canh cà phê, đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hệ thống xử lý nước thải; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ. Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ cà phê; ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi ép giá, ép cân để trục lợi.

cf8-1730941691.jpg
Các tổ an ninh tăng cường tuần tra bảo vệ cà phê của người dân.

Theo ông Nguyễn Hắc Hiển - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, Đắk Lắk là “thủ phủ cà phê” của cả nước với 212.106 ha, sản lượng 559.000 tấn. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn. Hiện nay, giá cà phê tăng cao đòi hỏi phải chuẩn hóa được nhiều yếu tố để đảm bảo được chất lượng cà phê, qua đó đảm bảo thị trường xuất khẩu bền vững và lâu dài.

Do đó, để đảm bảo chất lượng cà phê, yếu tố quan trọng nhất là thu hái cà phê phải đạt trên 85% quả chín, không thu hái cà phê xanh và phơi sấy, sơ chế, bảo quản đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng. Do đó cần nâng cao ý thức, nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp và cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương để đưa ngành hàng cà phê ngày càng phát triển tốt hơn, không những đảm bảo năng suất cao mà còn đảm bảo phải chất lượng tốt, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của thị trường./.

Kiến Giang