6 tháng đầu năm, Đắk Lắk có 707 doanh nghiệp thành lập mới, 655 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 707 doanh nghiệp thành lập mới (tổng vốn điều lệ đăng ký 5.976 tỷ đồng), tương đương 42,34% kế hoạch, giảm 4,59% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, có 655 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 12.246 doanh nghiệp, trong đó có 11.291 doanh nghiệp nội tỉnh và 955 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 707 doanh nghiệp thành lập mới (tổng vốn điều lệ đăng ký 5.976 tỷ đồng), tương đương 42,34% kế hoạch, giảm 4,59% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, có 655 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (85 doanh nghiệp giải thể và 570 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động), tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

cong-nhan-1689153458.jpg
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa (Ảnh: Bảo Trung/Báo Lao động)

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ ngày 01/4 - 15/6/2023, có 975 người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nghỉ việc, nộp hồ sơ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Trước đó, quý I/2023, tỉnh Đắk Lắk có 37 doanh nghiệp giải thể, 395 đơn vị tạm ngưng hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới, số người lao động thất nghiệp cũng gia tăng so với cùng kì năm 2022.

Anh Hồ Minh Cường (huyện Ea H’Leo) cho biết, thất nghiệp ở TP.HCM, tôi buộc phải về quê nhà tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm một công việc phù hợp. Tuy nhiên, làm việc trong một công ty xây dựng không lâu thì đơn vị này giải thể, tôi lại lâm vào cảnh thất nghiệp. Nếu thị trường việc làm không khả quan, suy thoái kinh tế kéo dài thì tôi sẽ về nhà làm nông nghiệp.

Chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nội thất (TP Buôn Ma Thuột) cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phải trả khoản tiền lãi, chưa kể nợ gốc cho ngân hàng hơn 700 triệu đồng. Mỗi tháng, lương của người lao động tiêu tốn thêm hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đơn hàng nhỏ giọt, thu không đủ bù chi. Doanh nghiệp hết sức khó nhọc mới gồng gánh, trụ lại tới lúc này nhưng vẫn không dám sa thải người lao động, vì nếu cho họ nghỉ việc thì khi có đơn hàng lại không có người làm.

Được biết, trước tình trạng trên mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác này sẽ do trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Tổ phó thường trực và các thành viên đều gồm lãnh giám đốc các sở, ngành trọng yếu tại địa phương (Sở Tài Chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương...).

Nhiệm vụ của Tổ công tác này nhằm tổ chức rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các đơn vị liên quan tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Ánh Dương (t/h)