Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng tới 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn như khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp phải giãn tiến độ hoặc dừng triển khai dự án. Cùng với đó, giá vật liệu xây dựng, giá xăng dầu biến động dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh.
Hiện, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động... Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn. Có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn như: khó tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai dự án.
Mặc dù, lãi suất điều hành giảm nhưng vẫn ở mức doanh nghiệp khó tiếp cận. Cùng đó, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng bị tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh; phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO. Thậm chí, có tập đoàn giảm từ 30 - 50% lực lượng lao động...
Liên quan đến ngành bất động sản, ngày 25/5/2023, Chính phủ ban hành Công điện số 469/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững
Trong đó, Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt các quy hoạch.
Ngoài ra, bộ phải rà soát, bổ sung (nếu có), hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng về các nội dung như lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Việc áp dụng cấp độ quy hoạch khi chấp nhận chủ trương đầu tư dự án cần thực hiện trước ngày 15-6-2023. Các đơn vị liên quan cũng cần kiểm tra những vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy cho các công trình xây dựng để đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30-6 tới.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng…