Hiện, nhiều tập đoàn công nghệ, hàng loạt các công ty đa quốc gia như Samsung, LG hay những "ông lớn" như Google, Microsoft đã có động thái, dấu hiệu dịch chuyển đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam.
Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung cho biết, doanh nghiệp vẫn coi Việt Nam là thị trường chiến lược, trọng điểm thời gian tới. Ông dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Được biết, trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương mới đây, bà Priyamvada Srivastava, Tổng Giám đốc Procter & Gamble Việt Nam cũng cho hay, hiện P&G có 2 nhà máy tại Bình Dương với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (tỉnh Bình Dương).
Theo báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng DBS - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore công bố ngày 03/7 cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nhưng đây vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi trong quý II/2023.
Báo cáo của DBS cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2023 khi chu kỳ ngành điện tử toàn cầu phục hồi, trong khi các hoạt động dịch vụ trong nước và du lịch của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và bổ trợ cho nền kinh tế.
Báo cáo dự báo, nền kinh tế sẽ được hỗ trợ thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng. Bên cạnh đó, ngành xây dựng của Việt Nam tăng mạnh trong quý II/2023 nhờ chi tiêu công tăng, theo đó tạo ra cải thiện về cơ sở hạ tầng, giúp Việt Nam giữ ưu thế trong cạnh tranh vào tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
Theo báo cáo, bất chấp những cơn gió ngược theo chu kỳ, FDI vẫn là "cơn gió thuận" đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.