Đặc điểm sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Trên cơ sở nghiên cứu về các hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đang tồn tại ở nước ta hiện nay, bài viết tập trung luận giải và phân tích về tính phi tư bản của sở hữu cá thể và những thay đổi về tính chất của sở hữu tư bản tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay, nhằm tạo cơ sở cho việc nhận thức đúng đắn về sở hữu tư nhân, cũng như về tính tất yếu khách quan của sự tồn tại sở hữu tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay.
8c4a4c31fcab370d9a46cb48b3a54fff-l-1658043479.jpg
Ph.Ăngghen từng nói "Trong lịch sử xã hội loài người, sở hữu tư nhân và phái sinh của nó là chế độ sở hữu tư nhân có vai trò quan trọng trong sự phát triển xã hội"

Sở hữu tư nhân hay chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là một trong ba hình thức sở hữu tư liệu sản xuất cơ bản được ghi nhận và bảo hộ ở nước ta. Thực tiễn sự phát triển của sở hữu tư nhân ở Việt Nam hiện nay cho thấy, sở hữu tư nhân đang tồn tại dưới hai hai hình thức cơ bản, một là: sở hữu cá thể (còn gọi là chế độ tư hữu nhỏ) gắn liền với nó là thành phần kinh tế cá thể và thành phần kinh tế tiểu chủ, hai là: sở hữu tư bản tư nhân (còn gọi là chế độ tư hữu lớn) gắn liền với nó là thành phần kinh tế tư bản tư nhân, bao gồm cả thành phần kinh tế có vốn đầu tư của tư nhân nước ngoài.

Do vậy, khi nghiên cứu về chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất ở nước ta hiện nay, chúng ta cần nghiên cứu cả hai hình thức sở hữu tư nhân đó. Trước hết là sở hữu cá thể: Về cơ bản, đây là hình thức sở hữu nhỏ của cá nhân người lao động đối với các tư liệu sản xuất gắn liền với nghề nghiệp của họ, nên trong thực tế còn gọi là chế độ tư hữu nhỏ.

Trong lịch sử nhân loại, sở hữu cá thể được xuất hiện lần đầu tiên trong xã hội chiếm hữu nô lệ, dưới hình thức sở hữu tư liệu sản xuất của những nông dân tự do, những người thợ thủ công và người buôn bán nhỏ... Sở hữu cá thể tiếp tục tồn tại trong xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, sở hữu cá thể vẫn tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Ở Việt Nam, do tính đặc thù trong con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên khi nghiên cứu về sở hữu cá thể chúng tôi nhận thấy, sở hữu cá thể ở nước ta hiện nay là sở hữu cá thể phi tư bản (chúng tôi nhấn mạnh). Tại sao có thể gọi sở hữu cá thể ở nước ta là phi tư bản? Về vấn đề này, theo chúng tôi có hai lý do chủ yếu:

Lý do thứ nhất: ở nước ta sở hữu cá thể được hình thành và xuất hiện lần đầu tiên trong xã hội phong kiến (tức là xuất hiện trước chủ nghĩa tư bản) và gắn liền với nền sản xuất phong kiến, thể hiện ở việc hình thành và xác lập quyền tư hữu nhỏ của nông nô, thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ đối với các tư liệu sản xuất gắn liền với nghề nghiệp của họ. Bởi vậy, xét về nguồn gốc hình thành sở hữu cá thể ở nước ta không gắn liền với nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Lý do thứ hai: thực tiễn lịch sử Việt Nam cho thấy, sau khi chế độ phong kiến được xóa bỏ, trong đường lối phát triển đất nước, chúng ta thực hiện việc “bỏ qua” chủ nghĩa tư bản để tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, sở hữu cá thể đang chịu sự định hướng và điều tiết của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với hai lý do cơ bản đó chúng tôi cho rằng, sở hữu cá thể ở nước ta không mang tính chất tư bản, tức là không mang “dấu ấn” của chủ nghĩa tư bản trong bản thân nó, dù rằng đó là sở hữu của tư nhân, gắn liền với lợi ích cá nhân và mang tính cá nhân.

Thực tế ở nước ta hiện nay, sở hữu cá thể phi tư bản đang tồn tại chủ yếu trong thành phần kinh tế cá thể và kinh tế tiểu chủ. Về bản chất, đây là các hình thức tổ chức kinh tế dựa trên quyền sở hữu cá nhân về tư liệu sản xuất kết hợp với sức lao động của người nắm quyền sở hữu và các thành viên gia đình (như trong kinh tế cá thể), cũng có thể sử dụng thêm sức lao động làm thuê nhưng người chủ sở hữu vẫn chưa tách khỏi quá trình sản xuất trực tiếp (như trong kinh tế tiểu chủ). Thực tiễn lịch sử cho thấy, sở hữu cá thể phi tư bản cùng với các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó đã từng tồn tại phổ biến trong xã hội phong kiến ở Việt Nam.

Nhưng có lẽ do chưa nhận thức được tính chất phi tư bản của sở hữu cá thể, cũng như sự phù hợp của các hình thức kinh tế gắn liền với nó với trình độ của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất ở nước ta, cùng với những thành kiến nhất định trong lịch sử đối với sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân... Nên trong một thời gian dài của thời kỳ trước đổi mới, sở hữu cá thể (dù là phi tư bản), cùng với các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó đã không được thừa nhận trong nhận thức, cũng như không được phép tồn tại và phát triển trong thực tế; thậm chí chúng còn được coi là đối tượng cần phải xóa bỏ, ít nhất là phải cải tạo trong cuộc cách mạng xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Về vấn đề này, Văn kiện Đại hội IV của Đảng đã viết: “Để xây dựng quyền làm chủ tập thể về kinh tế, phải xoá bỏ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và cải tạo chế độ sở hữu cá thể”[1]. Tuy nhiên, do nhu cầu khách quan của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như sự vận động nội tại của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất trong xã hội mà sở hữu cá thể phi tư bản và các thành phần kinh tế gắn liền với nó vẫn ngấm ngầm tồn tại một cách tự phát, dù chúng không có điều kiện pháp lý để tồn tại và phát triển.

Bước sang thời kỳ đổi mới, với việc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sở hữu cá thể đã từng bước được ghi nhận và được tạo điều kiện phát triển, với tư cách là một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất đặc thù trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thậm chí cả trong xã hội xã hội chủ nghĩa sau này. Vì thực tế cho thấy, trong quá trình tồn tại và phát triển ở nước ta, sở hữu cá thể phi tư bản ngày càng thể hiện rõ sự phù hợp với trình độ của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất.

Điều này được Đảng ta khẳng định trong văn kiện Đại hội VI như sau: “Trong điều kiện nước ta, kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hoá đi lên chủ nghĩa xã hội”[2]. Điều đó khẳng định sự cần thiết về sự tồn tại của sở hữu cá thể và các thành phần kinh tế gắn liền với nó ở nước ta hiện nay, sự tồn tại của sở hữu cá thể cùng với các thành phần kinh tế gắn liền với nó sẽ tạo ra một môi trường sản xuất - xã hội phù hợp với trình độ của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay, sự phù hợp đó không chỉ có tác dụng kích thích lực lượng sản xuất xã hội phát triển mà còn góp phần tạo nên tính đa dạng về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên xét đến cùng, sở hữu cá thể và các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó dù ở đâu, trong thời đại kinh tế nào và dưới chế độ chính trị nào... thì về thực chất, đó cũng chỉ là các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh nhỏ, dựa trên quyền tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất cùng với sức lao động của bản thân và gia đình người nắm quyền tư hữu, tức là mang tính phi tư bản... nên xét đến cùng, nó vẫn được coi là sở hữu cá nhân (như chúng tôi gọi, đó là sở hữu cá thể phi tư bản). Bởi vậy, sở hữu cá thể phi tư bản ở nước ta không phải là một chế độ sở hữu độc lập, nó không thể tạo ra một quan hệ sản xuất mới hoặc đại diện cho một kiểu quan hệ sản xuất mới mà chỉ là biểu hiện của một kiểu quan hệ sản xuất đã được nảy sinh và tồn tại trong lịch sử (kiểu quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ).

Không những thế, thực tiễn cũng cho thấy trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu cá thể phi tư bản ở nước ta cũng đang chịu sự tác động của các quy luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là sự điều tiết và định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước theo hướng “tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế này đầu tư phát triển không hạn chế trong những ngành nghề, những lĩnh vực có lợi cho quốc kế dân sinh, nhưng cần tăng cường sự hướng dẫn, kiểm soát và điều tiết của Nhà nước, hướng tư bản tư nhân vào quỹ đạo chủ nghĩa tư bản nhà nước, ngăn ngừa và khắc phục những hoạt động tiêu cực”[3]. Chính vì vậy, nên trong thực tế nội dung, tính chất và hình thức của sở hữu cá thể ở nước ta hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trong chế độ phong kiến trước đây, cũng như so với sở hữu cá thể trong nền kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay, sự khác biệt đó trước hết thể hiện ở tính phi tư bản.

Thứ hai là sở hữu tư bản tư nhân: Về cơ bản, đây cũng là hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Tuy nhiên, khác với sở hữu cá thể là trong hình thức sở hữu tư bản tư nhân, người nắm quyền sở hữu có thể chiếm đoạt hoặc bóc lột sức lao động của người khác không giới hạn về quy mô và trình độ, nên trong thực tế còn gọi là chế độ tư hữu lớn.

Trong lịch sử nhân loại, sở hữu tư bản tư nhân đã xuất hiện trước khi chế độ tư bản chủ nghĩa được xác lập. Tuy nhiên, kể từ khi chế độ tư bản chủ nghĩa xuất hiện và cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, hình thức sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất cũng ngày càng phát triển và ngày càng thể hiện là một hình thức sở hữu tư liệu sản xuất không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Ở Việt Nam, do tính đặc thù trong con đường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được nói đến ở phần trên, cùng với những định kiến sai lầm trong lịch sử, đặc biệt là cách nhìn nhận phiến diện về chủ nghĩa tư bản nói chung và chế độ sở hữu tư bản tư nhân nói riêng, nên trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ trước đổi mới, chúng ta đã thực hiện sự “phủ định sạch trơn” đối với chủ nghĩa tư bản, nên các thành tựu của chủ nghĩa tư bản nói chung, cũng như tính tích cực của sở hữu tư bản tư nhân nói riêng, đã không có điều kiện tồn tại và phát triển để phát huy giá trị ở Việt Nam.

Không những thế, ngay cả hình thức sở hữu tư nhân của một số tư sản dân tộc (tư sản mại bản) cũng không được thừa nhận, không được phép tồn tại và phát triển; thậm chí lúc bấy giờ các hình thức sở hữu tư nhân đó còn được coi là đối tượng phải cải tạo, phải xóa bỏ trong công cuộc cách mạng xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa theo tinh thần: “quốc hữu hoá những cơ sở công thương nghiệp của tư sản mại bản, bọn phản quốc và bọn tư sản chạy ra nước ngoài; tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư bản tư doanh”[4]

Tuy nhiên, cũng giống như sở hữu cá thể, do nhu cầu khách quan của quá trình hội nhập quốc tế, cũng như từ sự vận động nội tại của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất trong xã hội mà trong thời kỳ đổi mới đất nước, với chủ trương: “Kinh tế tư bản tư nhân được phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm. Nhà nước có thể liên doanh bằng nhiều hình thức với tư nhân trong và ngoài nước, hình thành loại doanh nghiệp thuộc thành phần tư bản nhà nước”[5] mà sở hữu tư bản tư nhân đã từng bước được “khôi phục trở lại” hoặc từng bước được “du nhập” vào nước ta.

Xét ở góc độ quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sự “khôi phục trở lại” và “du nhập” sở hữu tư bản tư nhân vào Việt Nam, không chỉ thể hiện sự phù hợp của sở hữu tư bản tư nhân với trình độ của một bộ phận lực lượng sản xuất trong xã hội, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn góp phần tạo nên tính đa dạng trong quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất ở nước ta hiện nay.

Thực tiễn quá trình phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay cho thấy, sở hữu tư bản tư nhân đang tồn tại phổ biến trong thành phần kinh tế tư bản tư nhân, kể cả thành phần kinh tế có vốn đầu tư của tư nhân nước ngoài, bao gồm các doanh nghiệp của các nhà tư sản, các doanh nghiệp của đội ngũ doanh nhân, cũng như các đơn vị kinh tế mà phần lớn nguồn vốn của nó do một hoặc một số cá nhân góp lại thuê lao động sản xuất kinh doanh dưới hình thức xí nghiệp tư doanh hay công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên xét đến cùng, kinh tế tư bản tư nhân dù ở đâu và trong thời đại kinh tế nào, về thực chất đó là hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh dựa trên quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tức là mang bản chất tư bản (bóc lột, chiếm đoạt sức lao động của người làm thuê…).

Đáng lưu ý là trong kết cấu kinh tế của nước ta hiện nay, sở hữu tư bản tư nhân và các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó không phải là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất đại diện cho kiểu quan hệ sản xuất tàn dư của xã hội cũ, cũng không phải là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất đại diện cho kiểu quan hệ sản xuất đang thống trị xã hội, nó càng không phải là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất đại diện cho kiểu quan hệ sản xuất mầm mống của xã hội tương lai; mà trong điều kiện đặc thù của nước ta, sở hữu tư bản tư nhân chỉ là chế độ sở hữu tư liệu sản xuất đại diện cho kiểu quan hệ sản xuất cầu nối, trung gian của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Do đó, các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó, cũng chỉ là các hình thức tổ chức kinh tế tồn tại trong thời kỳ trung gian - thời kỳ quá độ hiện nay. Thực tiễn cho thấy, sự tồn tại của “khâu trung gian” và những “chiếc cầu nối” này, không chỉ phù hợp với với trình độ của một bộ phận không nhỏ lực lượng sản xuất của nước ta hiện nay, mà “khâu trung gian” và những “chiếc cầu nối” đó còn góp phần tạo nên tính đa dạng trong quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất, tham gia tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tiễn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay cho thấy, sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất và các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó không còn nguyên vẹn như trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Lý giải về điều này, chúng tôi thấy có hai lý do cơ bản: Thứ nhất, do tính đặc thù trong quá trình hình thành và tồn tại của sở hữu tư bản tư nhân và các hình thức kinh tế gắn liền với nó mà chúng tôi đã chỉ ra ở trên. Thứ hai, (và là lý do cơ bản) là vì sự điều tiết và định hướng của Nhà nước Việt Nam đối với sở hữu tư bản tư nhân và các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó, theo tinh thần: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm... khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”[6].

Bởi thế, sở hữu tư bản tư nhân ở nước ta không còn nguyên vẹn về bản chất, giống như trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trong thực tế, sở hữu tư bản tư nhân ở Việt Nam hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục được điều tiết và định hướng để từng bước chuyển hóa thành sở hữu tư bản Nhà nước, sở hữu tập thể… thông qua con đường liên doanh, liên kết với nhau hoặc với kinh tế tập thể và kinh tế Nhà nước…

Vì xét đến cùng, mục đích của sự tồn tại của sở hữu tư bản tư nhân và các hình thức tổ chức kinh tế gắn liền với nó, ngoài việc mang lại lợi ích cho cá nhân người nắm quyền sở hữu, chế độ sở hữu đó còn phải phù hợp với các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội và phải góp phần cùng với các hình thức sở hữu khác, các thành phần kinh tế khác tích cực thực hiện các mục tiêu đó.

Tóm lại: Đặc điểm nổi bật nhất về quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay, là sự tồn tại chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất với hai hình thức cơ bản là: sở hữu cá thể và sở hữu tư bản tư nhân. Trong đó, sở hữu cá thể ở nước ta là sở hữu phi tư bản, còn sở hữu tư bản tư nhân không còn nguyên vẹn như trong chủ nghĩa tư bản; mà đã, đang và sẽ tiếp tục được điều tiết, được định hướng để thích nghi và phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Tô Đức Hạnh (2006), Phát triển kinh tế cá thể ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Trường Đại học Ngoại Thương Hà Nội (2012), Kỷ yếu hội thảo khoa học, Phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lý luận và thực tiễn thuộc đề tài Nghị định thư “Mô hình phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam và khả năng vận dụng bài học kinh nghiệm từ Australia. Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

7. Nguyễn Văn Thắng (2013), Các khu vực kinh tế ở Việt Nam nhìn từ góc độ quan hệ sản xuất, Tạp chí Sinh hoạt lý luận, (118), tr. 30 - 34.

8. Lê Xuân Tùng (2008), Quan hệ sản xuất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Nguyễn Thanh Tuyền (2006), Sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.


Nguyễn Văn Thắng