Đà Nẵng: Tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong hai ngày 21 và 22/6, tại Đà Nẵng, Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED) và dự án Biotrade đã tổ chức khóa tập huấn “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế (NOP, EU, JAS)” thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và ngành hàng.
mot-buoi-thao-luan-soi-noi-1719122157.jpg
Một buổi thảo luận sôi nổi trong khóa tập huấn. (Ảnh: Bảo Hân)

Khóa tập huấn được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng nguyên liệu tự nhiên tại Việt Nam có cơ hội cùng tìm hiểu, nâng cao và chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, tiếp cận các cơ hội quảng bá, nâng cao năng lực xuất khẩu tại các thị trường quốc tế lớn.

Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của khóa tập huấn, ThS. Bùi Khánh Tùng cho biết: “Thông qua khóa tập huấn này, tôi mong muốn được chia sẻ những nội dung, thông tin về hữu cơ, để chúng ta có cái nhìn đúng và thống nhất với nhau về việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế”.

giang-vien-bui-khanh-tung-trao-doi-nhung-kien-thuc-ve-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-1719122157.jpg
Giảng viên Bùi Khánh Tùng trao đổi những kiến thức về sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế. (Ảnh: Đoan Thục)

Chương trình tập huấn với nhiều hoạt động đa dạng như: Vẽ mô hình canh tác hữu cơ lý tưởng; Thảo luận các yếu tố quan trọng trong sản xuất hữu cơ; Đi thực địa, khảo sát và đánh giá rủi ro khu vực sản xuất hữu cơ; Hướng dẫn các hồ sơ bắt buộc trong đánh giá chứng nhận hữu cơ trang trại;...

Bên cạnh đó, khóa tập huấn còn có sự tham gia chia sẻ về “Mô hình sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn PGS tại Hội An’’ của bà Trần Huỳnh Hải Yên – Nguyên trưởng ban điều phối PGS Hội An và sự chia sẻ về “Các yêu cầu đối với nhóm nhà sản xuất theo quy định mới của các tiêu chuẩn USDA-NOP và EU Organic’’ của ông Lê Quý Hòa Bình – Quản lý chương trình chứng nhận nông nghiệp của tổ chức chứng nhận Control Union tại Việt Nam.

cac-hoc-vien-trao-doi-thao-luan-de-cung-ve-mo-hinh-canh-tac-huu-co-1719122157.jpg
Các học viên trao đổi, thảo luận, cùng vẽ mô hình canh tác hữu cơ. (Ảnh: Bảo Hân)

Đánh giá về chất lượng của khoá tập huấn, chị Nguyễn Huyền Đoan Thục - Giám đốc Công ty Tiffany S.G, chia sẻ: “Những tiêu chuẩn quốc tế như NOP, EU, JAS đang rất phổ biến. Những buổi học như thế này trang bị cho mình kiến thức nền tảng, và mọi người ở đây cũng làm theo hướng “sạch”. Nhưng về một tiêu chuẩn hoá để được đánh giá hoặc tiến tới xuất khẩu thì phải có phương pháp và sự hướng dẫn cụ thể. Tôi hy vọng sau những buổi học này sẽ tạo được sự kết nối, hỗ trợ tiếp theo cho khu vực miền Trung”.

Dự án Thương mại sinh học vùng - Giai đoạn II (BioTrade SECO) tại Việt Nam được tài trợ bởi Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành nguyên liệu tự nhiên đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển chuỗi cung ứng bền vững, cải thiện quy trình kinh doanh xuất khẩu, truyền thông và vận động chính sách.

Thông qua dự án này, nhiều doanh nghiệp và ngành hàng đã có cơ hội tham gia vào các hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực cạnh tranh, cũng như các hoạt động kết nối thị trường./.

Bảo Hân