Nông nghiệp hữu cơ mở hướng cho kinh tế nông nghiệp phát triển

Nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, tạo ra nông sản đặc sản phục vụ phân khúc thị trường cao cấp, mở hướng cho kinh tế nông nghiệp phát triển.

Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội đang phát triển theo 2 nhánh: Nông nghiệp sử dụng giống mới ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở quy mô lớn và theo hướng bảo tồn, phát triển các loại giống bản địa, thơm ngon, đặc sản, ở quy mô nông hộ.

Thực tiễn cho thấy sản xuất nông nghiệp ở quy mô nông hộ chỉ hiệu quả nếu gắn với phương pháp hữu cơ, nuôi trồng các loại cây con đặc sản. Các mô hình của khuyến nông theo hướng này đã có sức lan tỏa lớn và đang được nhân rộng ở nhiều địa phương.

lua-dong-phu-1687398840.jpg
Lúa hữu cơ Đồng Phú được phát triển mạnh và có sự tham gia nhiều người dân.

Nhiều loại cây ăn quả có dấu hiệu thoái trào, nông dân canh tác không có lãi, thì các loại đặc sản khu biệt hẹp lại đang đứng vững trên thị trường. Tại vùng trồng cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, như bưởi Diễn, bưởi đỏ Đông Cao, nhãn chín muộn Đại Thành…, nông dân sản xuất đều có lãi, nông sản không bị ế thừa, không phải "giải cứu".

Tuy nhiên, hiện nhiều loại giống đặc sản địa phương cho sản lượng thấp, do giống bị thoái hóa, nông dân áp dụng phương pháp canh tác vô cơ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hoặc thức ăn công nghiệp, khiến chất lượng nông sản không cao…

Do đó, để các loại đặc sản này phát huy thế mạnh, các địa phương cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá nông sản đặc sản..., hướng nông dân quay lại với phương thức sản xuất hữu cơ một cách bền vững.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1,5-2,0% tổng diện tích đất trồng trọt và tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi…

Để tạo bước chuyển mới, hiệu quả và bền vững cho nông nghiệp hữu cơ, thành phố Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, bảo quản ngân hàng gen, giống cây trồng, vật nuôi bản địa quý. Không chỉ được bảo tồn, mà các loại giống cây trồng, vật nuôi này sẽ được đầu tư, lai tạo nâng cấp… để đưa vào sản xuất đại trà.

Đây được coi là cách làm để nâng cao giá trị các loại cây con đặc sản, đồng thời giúp giải bài toán phát triển nông nghiệp ở khu vực nông hộ vốn đang loay hoay tìm loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy mô sản xuất. Vì vậy sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cơ hội mở hướng cho kinh tế nông nghiệp phát triển.