Khô hạn và dịch bệnh khiến sầu riêng ít trái
Những ngày này, người trồng sầu riêng tại Bình Phước đang vào cuối chu kỳ thu hoạch. Trái với không khí phấn khởi như mọi năm, người trồng sầu riêng cho biết năm nay thời tiết cực đoan, nắng hạn kéo dài khiến nhiều nơi thiếu nước tưới. Đây cũng là điều kiện lý tưởng để nhện đỏ phát triển và gây hại sầu riêng. Nhiều nhà vườn không kịp trở tay khiến năng suất, chất lượng trái sầu riêng giảm, giá sầu riêng lại thấp hơn cùng kỳ khiến vụ mùa năm nay kém vui.
Vụ mùa năm trước, vườn sầu riêng 3 ha của gia đình ông Hứa Văn Phố ở thôn 5, xã Phước Sơn (huyện Bù Đăng) cho năng suất bình quân từ 1,2 tạ/cây, thì năm nay, do thời tiết thay đổi bất thường, có ngày nhiệt độ lên đến 36-370C và ban đêm trở lạnh đột ngột ảnh hưởng đến quá trình ra bông, đậu trái của cây.
Ông Phố cho biết: “Năm nay do thời tiết không thuận lợi nên vườn sầu riêng của gia đình tôi ra bông chỉ đạt khoảng 50-60%. Cùng một vườn nhưng có nhiều đợt ra bông, khiến khâu chăm sóc cũng khó khăn. Năm 2023, gia đình tôi thu hoạch hơn 15 tấn sầu riêng, nhưng với tình hình này, tôi dự đoán vụ mùa năm nay có thể giảm năng suất, sản lượng so với vụ trước”.
Còn tại xã Tân Lợi (huyện Đồng Phú) được coi là "chảo lửa" trong mùa khô vừa qua. Để cứu vườn cây, nhiều bà con không ngần ngại đào ao, lót bạt trữ nước, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm... nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại.
“Năng suất giảm là một chuyện nhưng điều đáng lo nhất là sâu bệnh tấn công khiến nhiều cây sầu riêng có biểu hiện vàng lá, một số cây đã chết đứng, tôi mong các nhà khoa học có giải pháp hướng dẫn người dân phòng trị bệnh”, một người trồng sầu riêng tại địa phương cho biết.
Tại huyện Phú Riềng - nơi được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Bình Phước, tình cảnh cũng không mấy khả quan. Đơn cử tại HTX sầu riêng Long Phú có 14 thành viên với tổng diện tích gần 40ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Do ảnh hưởng của nắng hạn, năng suất sầu riêng của HTX giảm từ 30 - 40%.
Ông Nguyễn Hữu Năm, Giám đốc HTX sầu riêng Long Phú cho biết, để đảm bảo nguồn nước tưới cho 7ha sầu riêng của gia đình, ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để đào ao trữ nước tưới nhưng vẫn thúc thủ trước mùa khô năm nay.
“Nguồn nước trong ao gần như trơ đáy khiến năng suất vườn giảm hơn 20%. Tỷ lệ trái bị thiếu hộc, méo mó tăng cao khiến chất lượng giảm so với vụ năm trước”, ông Năm nói.
Ông Năm cho biết thêm, bên cạnh năng suất, chất lượng giảm, người trồng sầu riêng tại Bình Phước, thậm chí những nhà vườn đã được cấp mã số vùng trồng cũng đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh chưa từng có.
“Từ đầu vụ đến nay, người mua sầu riêng có nói gì đến mã số đâu. Họ đến xem vườn cây, tùy chất lượng, mẫu mã trái thế nào thì mua thế đó. Thuận mua vừa bán, không thì thôi. Thậm chí vườn nhà tôi giá còn thấp hơn năm ngoái do ảnh hưởng nắng hạn nên trái nhỏ, lép, cháy múi…”, ông Năm chia sẻ.
Chăm sóc đúng quy trình, đăng ký mã số vùng trồng để nâng chất sầu riêng
Niên vụ 2023, toàn tỉnh có gần 2.500 ha sầu riêng cho thu hoạch với gần 14.900 tấn, năng suất bình quân 96,85 tạ/ha. Tuy nhiên, với thời tiết bất lợi hiện nay, niên vụ sầu riêng 2024 đang còn nhiều diễn biến khó lường khiến nông dân thấp thỏm lo âu.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, tính đến giữa tháng 5/2024, toàn tỉnh có khoảng 30% diện tích cây sầu riêng bị ảnh hưởng do hạn hán (327,4ha), tập trung ở thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập. Toàn tỉnh có 89ha sầu riêng bị nhiễm bệnh xì mủ ở mức độ nhẹ đến trung bình, 0,9ha cây bị chết. Tình trạng nhiễm bệnh phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, Chi cục đã ban hành một số giải pháp chống hạn cho cây trồng trong giai đoạn mùa khô. Đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp kỹ thuật để phòng trị, hạn chế sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
“Sầu riêng là cây trồng khó tính, nhạy cảm với thời tiết, mưa hay nắng nhiều vào thời điểm cây đậu trái đều sẽ ảnh hưởng xấu đến cây. Giai đoạn này vừa thu hoạch xong, nhà nông cần thường xuyên thăm vườn, tăng cường bón phân hữu cơ, tưới nước thường xuyên để cây phục hồi hiệu quả…”, ông Lê Xuân Trí - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước chia sẻ.
Theo Sở NN&PTNT Bình Phước, sầu riêng là một trong những cây trồng đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh khoảng trên 5.300ha, chủ yếu là 2 giống Ri 6 và Dona. Bình Phước đã có 65 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp với tổng diện tích hơn 2.412ha. Để có được mã số vùng trồng như hiện nay, ngành nông nghiệp và người trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực canh tác cây sầu riêng đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu chính ngạch.
“Mã số vùng trồng vừa là giấy thông hành để đưa nông sản ra thị trường quốc tế, vừa bảo đảm quyền lợi cho những nhà nông làm ăn chân chính, góp phần thúc đẩy một nền nông nghiệp minh bạch thông tin, đảm bảo tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế để phát triển bền vững chuỗi ngành hàng sầu riêng, các nhà vườn cần tuân thủ quy trình. Tỉnh đang tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, góp phần tăng chuỗi giá trị, nông dân sẽ hưởng lợi", ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết./.