Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau), thời gian gần đây, trên địa bàn tái diễn tình trạng cua biển nuôi trong các vuông tôm của người dân bị chết trên diện rộng.
Cua biển là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, trong đó, cua biển ở huyện Năm Căn được xem là ngon nhất. Tình trạng cua nuôi bị chết làm sản lượng giảm, nhiều hộ gia đình nuôi cua đứng ngồi không yên.
Ông Tô Văn Thống (ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho biết, cua gia đình ông chết rải rác từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình xấu đi. Một phần cua tấp vào mé bờ chết, phần thu hoạch được mang lên bờ thì cũng chết chứ không bán được, gây thiệt hại lớn. “Câu cua lên, trói rồi bỏ vô thùng đàng hoàng thì hồi nó sùi bọt mồm ra là chết. Hồi cua chưa bị thiệt hại thì câu nước kiếm 3 – 4 triệu đồng. Có những năm đạt thì mỗi nước kiếm 10 triệu đồng cũng có. Từ khi bị dịch bệnh này thì nước chỉ được vài trăm ngàn đồng”, ông Thống than thở.
Thực trạng cua chết không chỉ xảy ra trên địa bàn huyện Ngọc Hiển mà xảy ra ở huyện Năm Căn. Ông Lê Hoàng Xám (ngụ xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) cho biết, tình hình cua chết nghiêm trọng xảy ra đã khoảng 1 tháng nay. Đáng nói là, sau cua thì tôm cũng lâm cảnh tương tự. “Tình hình cua ở vuông tôi chết ước khoảng 80%. Con cua mở ra thì ở bộ phận nội tạng đen, còn thịt cua thì có màu hồng, giống như năm trước. Cua chết kéo theo tôm bị thiệt hại. Có lẽ cua chết thì con tôm ăn hay kiểu nào mình chưa biết nhưng tôm cũng bị thiệt hại. Hiện tại cua, tôm nhà tôi vẫn tiếp tục bị chết”, ông Xám nói.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đều xảy ra tình trạng cua biển nuôi bị chết, mức độ thiệt hại từ 30–100%. Nguyên nhân được xác định là do nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ.
Còn theo ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn, cua trên địa bàn bị thiệt hại diễn ra từ cuối tháng 2 vừa qua. Tình trạng cua chết diễn ra ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Mức độ người nuôi bị thiệt hại khoảng 20-30%, cá biệt có nhiều hộ chịu thiệt hại khoảng 60-70%.
Về nguyên nhân, ông Nguyễn Nghi Lễ lý giải: “Sau khi các ngành chuyên môn, đơn vị chức năng liên quan phân tích, đánh giá thì đây cũng là một trong những biểu hiện lặp lại của 2 năm trước. Nguyên nhân cua chết là do ký sinh trùng. Tới thời điểm này chưa có giải pháp nào, cũng như chưa có loại thuốc nào đặc trị mầm bệnh này. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người nuôi cua các biện pháp tạm thời để hạn thiệt hại thấp nhất cho bà con”./.