Củ sen Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu Nhật Bản, thành quả từ tăng trưởng xanh

Lần đầu tiên lô củ sen được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính Nhật Bản sẽ khai mở thêm nhiều thị trường tiềm năng. Đây là thành quả từ định hướng phát triển ngành hàng sen của Đồng Tháp hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh.
xuat-khau-cu-sen-01-1715091550.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức xuất khẩu lô sen đầu tiên sang Nhật Bản. (Ảnh tư liệu)

15 tấn củ sen xuất khẩu chính ngạch thị trường Nhật Bản

Ngày 7/5, tại huyện Tháp Mười, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức công bố xuất khẩu lô củ sen chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, với việc xuất khẩu chính ngạch sen sẽ tạo điều kiện để sen Đồng Tháp tiếp cận thêm nhiều thị trường trên thế giới. Số lượng củ sen đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, thị trường khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng mở ra cơ hội hợp tác, phát triển bền vững trong thời gian tới.

Lô sen của Đồng Tháp xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn củ sen cấp đông với giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng sẽ được xuất khẩu cho các đối tác tại Nhật Bản.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười Đoàn Thanh Bình, sen là sản phẩm đặc thù mang thương hiệu của tỉnh Đồng Tháp có giá trị kinh tế cao và tiềm năng phát triển du lịch. Đồng thời, sen cũng là một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Hiện nay diện tích trồng sen của huyện Tháp Mười hơn 500 ha, chiếm khoảng 30% diện tích sen của Đồng Tháp, thu nhập từ trồng sen lên tới 45 triệu/ha/vụ. Ngoài ra, có nhiều sản phẩm OCOP từ sen đã xuất khẩu đi các thị trường.

xuat-khau-cu-sen-02-1715091532.jpg
15 tấn củ sen cấp đông đầu tiên của Đồng Tháp được xuất sang Nhật Bản. (Ảnh tư liệu)

Bà Ngô Thanh Thảo, hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười chia sẻ, người dân vui mừng khi giá trị từ cây sen được nâng lên. Việc xuất khẩu củ sen sang thị trường Nhật Bản đã làm đa dạng chuỗi giá trị từ cây sen, giúp nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

“Khí hậu và đất đai ở Tháp Mười phù hợp với giống sen lấy củ. Gia đình tôi và nhiều hộ dân khác rất phấn khởi, khi trên địa bàn huyện có doanh nghiệp tiêu thụ củ sen. Nếu mọi thứ phát triển tốt, thời gian tới sẽ có nhiều hộ nông dân sẽ trồng sen lấy củ, góp phần phát triển kinh tế và đa dạng giống sen tại địa phương”, bà Thảo phấn khởi cho biết.

Thành quả từ nâng chất lượng củ sen theo hướng xanh và bền vững

Ông Nguyễn Minh Thiện, Giám đốc Nhà máy Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt - đơn vị xuất khẩu lô củ sen cho biết, để xuất khẩu chính thức sang Nhật, doanh nghiệp có hai năm đàm phán, nhiều lần gửi hàng mẫu. Lô sen được xuất khẩu có trị giá khoảng 1 tỉ đồng. "Thị trường Nhật Bản rất khó tính, đối tác phía Nhật yêu cầu kiểm nghiệm mẫu đất, nước, không khí nơi trồng sen và quy trình chế biến tại nhà máy. Trung bình một tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước. Dự kiến trong năm nay, đối tác Nhật Bản sẽ nhập thêm 8 container, giá trị khoảng 7 tỉ đồng", ông Thiện cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội ngành hàng Sen Đồng Tháp, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết, trân trọng và tôn vinh giá trị của sen, một trong những ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025, Hội ngành hàng sen Đồng Tháp đã không ngừng nghiên cứu, khai thác trọn vẹn những sản phẩm của sen, hướng đến phát triển ngành hàng sen hiệu quả, chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc xuất khẩu lô sen tươi sang thị trường Nhật Bản đánh dấu một bước tiến cho sự phát triển của ngành hàng sen Đồng Tháp.

xuat-khau-cu-sen-03-1715091611.jpg
Trung bình một tấn củ sen nguyên liệu sử dụng được 30% để xuất khẩu, còn lại dùng chế biến các sản phẩm bán trong nước.(Ảnh tư liệu)

Ông Đoàn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cũng cho biết, lô sen xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản lần này sẽ tạo điều kiện để sen của Đồng Tháp tiếp tục thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành hàng sen cần phải thực hiện liên kết bền vững giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản bền vững, lâu dài.

“Xuất khẩu củ sen sang Nhật Bản là niềm phấn khởi, niềm tự hào của người dân trồng sen. Song để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, rất mong nhận được sự đồng thuận từ các Sở, ngành, các DN, các HTX và các hộ nông dân trong việc duy trì chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu một cách bền vững”, ông Bình nói.

Với việc xuất khẩu lô sen sang thị trường Nhật Bản đánh dấu bước tiến cho sự phát triển của ngành hàng sen Đồng Tháp, mở ra cơ hội tiếp cận thêm nhiều thị trường quốc tế trong tương lai và khẳng định hướng phát triển ngành hàng sen của Đồng Tháp hướng đến các giá trị xanh, tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hoá xanh./.

Bình Nguyên