Công bố giá trị dòng chảy tại hơn 500 công trình thủy điện

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Quyết định số 1609/QĐ-BTNMT ngày 20/7/2022 về việc Công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở ở hạ lưu 642 hồ chứa, đập dâng của 582 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, có 609 hồ chứa, đập dâng của 551 công trình thủy điện và 33 hồ chứa, đập dâng của 31 công trình thủy lợi.

Cụ thể, tại lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng nằm trên địa bàn 3 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn có 14 công trình thủy điện và 01 công trình thủy lợi. Trong đó, 02 công trình thủy điện Nà Lòa, Nà Tầu (tỉnh Cao Bằng) có giá trị dòng chảy sau đập thấp nhất với 0,5m3/giây; thủy điện có giá trị dòng chảy sau đập cao nhất là Hòa Thuận và Tiên Thành (Cao Bằng) 9,5m3/giây.

Tại lưu vực sông Hồng - Thái Bình có 256 công trình thủy điện, thủy lợi nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Kạn, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng. Đây cũng là lưu vực có nhiều công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp như: Thủy điện Mây Hồ (Lào Cai) 0,011 - 0,23 m3/giây; Thủy điện Suối Chút 1 (tỉnh Lào Cai) 0,02 - 0,1 m3/giây; Suối Chút 2 (tỉnh Lào Cai) 0,01 - 0,22 m3/giây; Nậm Cát (tỉnh Lai Châu) 0,01m3/giây; Nậm Nhùn 2 (tỉnh Lào Cai) 0,12 m3/giây; Thủy điện Suối Trát (Lào Cai) 0,14 m3/giây; Nậm Nhùn 1 (tỉnh Lào Cai) 0,21 m3/giây; Nậm He (tỉnh Điện Biên) 0,12 m3/giây; Nậm Xây Nọi 2 (Lào Cai) 0,07 - 0,2 m3/giây;… Các công trình có giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập cao nhất là thủy điện Sông Lô 8A tại tỉnh Tuyên Quang với 60,25m3/giây; thủy điện Sông Lô 6 nằm trên địa bàn 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang 46,3m3/giây; thủy điện Pắc Ma tại tỉnh Lai Châu với 55,6m3/giây.

310821-thuydienhoabinh-1659429900.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn EVN

Tại khu vực Sông Mã có 28 công trình thủy điện, thủy lợi nằm trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An. Trong đó, công trình Thủy điện Trí Năng (tỉnh Thanh Hóa) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05m3/giây và Thủy điện Na Son (Điện Biên) 0,69 m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Mường Hung (tỉnh Sơn La) với 21,2m3/giây.

Ở khu vực sông Cả trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có 23 công trình thủy điện, hồ chứa. Trong đó, công trình thủy điện Ca Nan 1 (tỉnh Nghệ An) có giá trị dòng chảy tối thiểu sau đập thấp nhất với 0,076 - 0,3m3/giây và Ca Nan 2 (tỉnh Nghệ An) với 0,035- 0,34m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Khe Bố (Nghệ An) với 95,5m3/giây.

Khu vực sông Hương tại Thừa Thiên Huế có 10 công trình thủy điện. Trong đó, công trình Thủy điện A Lin B1 có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,17m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sông Bồ với 1,5m3/giây.

Tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nằm trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có 31 công trình thủy điện. Trong đó, một số công trình Thủy điện Tầm Phục (tỉnh Quảng Nam) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp 0,03m3/giây, Nước Biêu (tỉnh Quảng Nam) là 0,32 m3/giây và Trà Linh 2 (tỉnh Quảng Nam) là 0,45 m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sông Tranh 4 với 9,85m3/giây.

Khu vực sông Trà Khúc tại hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi có 16 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Đắk Lô (tỉnh Kon Tum) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05 - 0,34m3/giây và Nước Long 0,03 - 0,1m3/giây. Còn công trình đập thủy lợi có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là đập Thạch Nham (tỉnh Quảng Ngãi) với 10m3/giây.

Trên lưu vực sông Kôn - Hà Thành nằm trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Gia Lai có 5 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình Thủy điện Ken Lút Hạ (tỉnh Bình Định) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,05m3/giây. Còn công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Vĩnh Sơn 5 với 3,4m3/giây.

Khu vực sông Sê San (Mê Công) nằm trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum có 49 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình thủy điện Thượng Đăk Psi - Nhà máy hồ phụ (tỉnh Kon Tum) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,069-0,075m3/giây và Thượng Đăk Psi - Nhà máy hồ chính (tỉnh Kon Tum) 0,034-0,346m3/giây. Còn công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Sê San 4A (tỉnh Gia Lai, Kon Tum) với 195m3/giây.

Ở khu vực sông Ba nằm trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có 23 công trình thủy điện, thủy lợi. Trong đó, công trình Thủy điện Sơn Giang (tỉnh Phú Yên) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,14m3/giây. Còn công trình thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Đăk Srông 3A (tỉnh Gia Lai) với 4,2m3/giây.

Khu vực sông Srê Pốk (Mê Công) nằm trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có 22 công trình thủy điện. Trong đó, Thủy điện Đăk Mê 1 (tỉnh Lâm Đồng) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất là 0,11m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Krông Nô 3 với 3,9m3/giây.

Tại khu vực sông Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước có 51 công trình thủy điện, thủy lợi, thủy điện. Trong đó, thủy điện Đắk U (tỉnh Bình Phước) có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,07m3/giây và Đam Bol - Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) 0,08m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là Đồng Nai 5 với 4,43m3/giây.

Khu vực sông Mê Công (Cửu Long) nằm trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Gia Lai có 10 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, Thủy điện A Lin Thượng có giá trị dòng chảy tối thiểu thấp nhất 0,18m3/giây. Còn thủy điện có giá trị dòng chảy tối thiểu cao nhất là thủy điện Nậm Núa (tỉnh Điện Biên) với 4,6m3/giây.

Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; xử lý vi phạm đối với hành vi không bảo đảm dòng chảy tối thiểu theo quy định;

Cục Quản lý tài nguyên nước định kỳ rà soát, cập nhật, tổng hợp và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/1 hàng năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1354/QĐ-BTNMT ngày 12 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng của các công trình thủy lợi, thủy điện.

Anh Vân (t/h)