Tuy nhiên, 48% người được phỏng vấn cho biết họ đã cảm thấy đủ đầy, dù giá trị tài sản trung bình của nhóm này chỉ khoảng 560.000 USD, thấp hơn đáng kể so với con số 2,2 triệu USD. Và trái ngược với quan điểm rằng những người trẻ tuổi đang phải chật vật vì tiền bạc. Cảm giác giàu có lại phổ biến nhất ở gen Y (những người sinh trong giai đoạn 1980-1994) và gen Z (những người sinh trong giai đoạn 1995-2012).
Ở gen Y và gen Z, tỷ lệ này lần lượt là 57% và 46%. Nhưng đối với gen X (những người sinh trong giai đoạn 1965-1979) và Baby Boomer (những người sinh trong giai đoạn 1946-1964), chỉ có 41% và 40% những người trong nhóm này cảm thấy mình giàu có.
Khi giá nhà đất tăng chóng mặt và lạm phát đẩy giá cả leo thang, người Mỹ cần sở hữu nhiều tiền hơn để cảm thấy vững vàng về mặt tài chính, nhất là ở các thành phố có chi phí sinh hoạt cao.
Thực tế, sức mua của mỗi người cũng thay đổi theo từng khu vực. Tùy vào hoàn cảnh sống, số người phụ thuộc, quyền sở hữu nhà, những khoản nợ có thể ảnh hưởng tới cảm giác của người tiêu dùng về sức khỏe tài chính.
Theo SmartAsset, một công ty cung cấp thông tin tài chính tiêu dùng cho biết, đơn vị đã khảo sát 76 thành phố lớn nhất nước Mỹ dựa trên câu hỏi: "Một người có thể giữ lại bao nhiêu tiền mỗi năm nếu kiếm được 100.000 USD?".
New York nằm cuối cùng danh sách với thu nhập có thể giữ lại chỉ 35.791 USD. Đứng đầu là Memphis (bang Tennessee) với 86.444 USD sau khi trừ thuế và chi phí sinh hoạt.
Bà Susannah Snider, một chuyên gia lập kế hoạch tài chính tại SmartAsset nhận định: "100.000 USD - thu nhập 6 chữ số, dường như là một cột mốc lớn, nhưng nó còn phụ thuộc vào nơi các vị sinh sống".
"Nghịch lý là mọi người thường định nghĩa về sự giàu có của bản thân không giống với những người khác", ông Rob Williams, Giám đốc quản lý tài sản tại Charles Schwab cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, một người cảm thấy mình giàu có hay không còn phụ thuộc vào vòng tròn quan hệ của họ. Gần 50% người tham gia khảo sát cho rằng họ sẽ cảm thấy giàu có hơn nếu họ có khả năng chi trả cho các nhu cầu sống tương tự bạn bè. Hơn 1/3 những người sử dụng mạng xã hội cho biết họ thường có thói quen so sánh lối sống của mình với những gì gia đình và bạn bè đăng tải trên mạng xã hội. Điều này lại càng phổ biến ở gen Y và gen Z.
Tuy nhiên, với nhiều người Mỹ, một cuộc sống đủ đầy không chỉ được thể hiện ở giá trị tài sản ròng. Gần 2/3 người tham gia khảo sát tin rằng so với việc có nhiều tiền, một mối quan hệ tốt với bạn bè và người thân sẽ mang lại cho họ cảm giác sung túc hơn. 70% cho biết cảm giác giàu có không đến từ số dư trong tài khoản ngân hàng, mà đến từ việc không cần phải quá lo lắng về tiền bạc.