Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, đối với ngành hàng thủy sản, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu chủ yếu hai mặt hàng là tôm và phi lê cá đông lạnh. Đối với cá tra và tôm sú, Việt Nam chi phối thị phần nhập khẩu khi hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ Việt Nam.
Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đã tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Âu với mức giá cao hơn xuất khẩu qua trung gian.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, Na Uy là một nước Bắc Âu xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, nhưng nước này cũng vẫn có nhu cầu nhập khẩu thủy sản. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Na Uy đạt 252,57 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Na Uy trong 5 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh Na Uy, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang Thụy Điển đạt khoảng 6,7 triệu USD, giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thủy sản sang Đan Mạch đạt hơn 17,2 triệu USD, giảm hơn 48% so với cùng kỳ.
Ngoài thủy sản, cà-phê là mặt hàng nhiều tiềm năng thâm nhập vào thị trường Bắc Âu. Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin, các nước Bắc Âu tiêu thụ cà-phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Tuy nhiên, hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước này.
Ngoài yêu cầu cao đối với chất lượng hàng nông sản nói chung, thì các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, yêu cầu về trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Bắc Âu.
Hiện các nước Bắc Âu đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và an toàn của người sử dụng. Trong thời gian tới, rất nhiều qui định mới sẽ được ra đời đều hướng tới hai mối quan tâm này. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần thường xuyên cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và bất kỳ quy định, chính sách, chiến lược hay kế hoạch mới nào nhằm thực hiện Thỏa thuận này, cũng như các qui định mới của EU.
Bên cạnh đó, chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời xác định lĩnh vực nào, công đoạn nào cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và an toàn mới của thị trường khu vực này.
Các doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế. Ví dụ, đối với Cơ chế điều chỉnh carbon, thay vì mua chứng chỉ carbon của EU, các doanh nghiệp nên bắt đầu thực hiện các bước để giảm khí thải carbon trong quá trình sản xuất.
Doanh nghiệp có thể cân nhắc việc thay đổi mô hình sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.
Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nguồn lực nghiên cứu để phát triển các công nghệ và sản phẩm mới đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững do Thỏa thuận Xanh châu Âu đặt ra.