Chuyển công an điều tra vụ “hô biến” tiền tiết kiệm thành bảo hiểm nhân thọ tại SCB

Như Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã đưa tin, vào hồi đầu tháng 1/2023, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng yêu cầu xem xét, giải quyết về kiến nghị của người dân về việc lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm Bảo hiểm Manulife. Thì mới đây, vụ án có chuyển biến mới.

Theo đó, Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính vừa chuyển đơn đơn thư tố cáo gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).

Đơn thư tố cáo về việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo và buộc ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

capture-1675691853.PNG
Chuyển công an điều tra vụ tiền tiết kiệm bỗng dưng biến thành bảo hiểm nhân thọ Manulife tại SCB

Hồi tháng 1/2023, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã gửi văn bản tới SCB, trong đó có đề cập đến việc đã nhận đơn của tập thể 33 khách hàng mua bảo hiểm Manulife qua Ngân hàng SCB. Nội dung liên quan đến việc Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới bán bảo hiểm thông qua môi giới tại SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch lừa khách hàng ký hợp đồng bảo hiểm.

Trước đó, người dân cho biết, đã gửi đơn khiếu nại tới Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị vào cuộc bảo vệ người dân khi họ tiền gửi tiết kiệm biến thành khoản mua bảo hiểm nhân thọ.

Đơn thư khách hàng phản ánh về Ngân hàng SCB và Bảo hiểm Manulife

Theo nội dung đơn của khách hàng gửi đến cơ quan chức năng, Bảo hiểm Manulife tổ chức mạng lưới đại lý bảo hiểm (BH) thông qua môi giới tại Ngân hàng SCB đã lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch để lừa khách hàng ký HĐBH (hợp đồng BH) sai với ý chí, mục đích gây thiệt hại cho nhiều người. Đơn thư nêu rõ, vấn đề này các cá nhân đều có đơn gửi tới Manulife nhưng không được giải quyết, trốn tránh, và hất trách nhiệm về phía khách hàng.

Theo đó, năm 2020 khách hàng của Ngân hàng SCB (Hầu hết là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu) có ít tiền dư thừa tới Ngân hàng SCB gửi tiết kiệm để có ít thu nhập bù vào lương hưu ít ỏi. Tại quầy của Ngân hàng SCB được 02 nhân viên (01 của SCB, 01 của Manulife) đón tiếp, tư vấn (bằng miệng), dẫn dắt tham gia HĐ đầu tư với tên “Tâm An Đầu Tư” như một hình thức gửi tiết kiệm có lãi suất cao hơn ngân hàng (lãi khoảng 10%/năm). Thời gian hợp đồng là 5 năm, trong đó có một phần đầu tư linh hoạt sau 01 năm có thể rút ra trước hạn nếu cần.

Với lời mời chào hấp dẫn, mập mờ và tin tưởng vào Ngân hàng SCB nên rất nhiều người đã tham gia hợp đồng. Việc thu nộp tiền do Ngân hàng thu (trên sổ tiết kiệm hoặc tiền gửi tại ngân hàng), sau đó (khoảng nửa tháng) mới chuyển trả lại hợp đồng (bản photo) và nhắc xem lại tên, số tiền nộp, lưu ý giữ hợp đồng (HĐ) như một sổ tiết kiệm mà không nhắc gì thêm.

142-1-825x460-1675737571.png
Khách hàng có đơn gửi tới Manulife nhưng không được giải quyết, trốn tránh, và hất trách nhiệm về phía khách hàng.

01 năm sau khi nhận được thông báo từ BH Manulife yêu cầu đóng phí duy trì hợp đồng bảo hiểm hàng trăm triệu đồng cho mỗi HĐ BH, khách hàng đã đến Ngân hàng SCB thắc mắc thì phía ngân hàng trả lời do khách hàng đã ký HĐ BH “Tâm An Đầu Tư”. Sau nhiều lần trao đổi với ngân hàng và chi nhánh Manulife tại Hà Nội khách hàng mới vỡ lẽ ra rằng hợp đồng đầu tư này là có lồng kèm vào hợp đồng bảo hiểm mà mình không biết và không có nhu cầu mình đã nhầm lẫn và như bị “Sập bẫy”: Lãi đầu tư không thấy đâu mà chắc chắn bị nợ một khoản tiền lớn phí BH.

Ngay từ đầu do tư vấn nên mọi người đã nhầm lẫn về mục đích hợp đồng, nghĩ rằng đầu tư vào công ty lấy lãi định kỳ (như trái phiếu Công ty). Nhưng thực chất là lừa những vị khách này ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của Manulife đi kèm đầu tư theo cổ phiếu niêm yết của Công ty. Với cách đầu tư này phải theo dõi hàng tuần, tháng trên website, nhưng mọi người tham gia ký kết đều không biết, chỉ hơn 01 năm sau mới thì đã quá muộn. Về vấn đề này Manulife không thông báo hay cảnh báo cho Khách hàng biết để theo dõi (Nếu biết đã lộ ra bản chất của HĐ). Bên cạnh đó không thấy Manulife có điện nhắc khách hàng có 21 ngày cân nhắc huỷ hợp đồng nên việc ký HĐ sai mục đích dễ dàng trôi đi.

Theo đơn thư, hợp đồng giao cho khách hàng là bản photo, trong đó chữ ký cũng là photo, nhiều nội dung khai báo viết tay trong HĐ đều do nhân viên BH tự điền vào, có nhiều chỗ bị sai lệch với thực tế. Đặc biệt sai lệch nhiều ở: Thu nhập cá nhân; Tiền sử bệnh tật (Không có khám bệnh)…. Thậm chí có chữ ký giả của đối tượng tham gia BH. Ngoài ra còn nhiều sai phạm khác mà không thể liệt kê trong phạm vi đơn này. Nếu Quý các cơ quan tổ chức điều tra đến từng cá nhân sẽ thấy được những tình huống sai phạm riêng biệt trong quá trình hình thành và ký kết hợp đồng.

Cách tư vấn HĐ mập mờ khi người đến gửi tiết kiệm thì đưa lợi ích đầu tư giả định cao hơn lãi tiết kiệm để chiêu dụ mà ẩn giấu kèm theo HĐ BH Nhân thọ với số phí hàng năm rất cao làm Khách hàng mắc câu khi ký HĐ. Không đếm xỉa đến khả năng kinh tế của Họ có thực hiện HĐ được không. HĐ đánh rất đông vào đối tượng là người cao tuổi đã nghỉ hưu, có thu nhập thấp, không còn nhanh nhạy và hiểu biết để tham gia kiểu đầu tư chứng khoán.

Theo tìm hiểu Bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam được Bộ Tài chính cấp giấy phép hoạt động từ năm 2005, doanh nghiệp được thành lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2021 doanh nghiệp này nâng vốn điều lệ lên đến 22.220 tỷ đồng và hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tài chính và đầu tư tài chính bao gồm: Kinh doanh bảo hiểm: (i) Bảo hiểm hỗn hợp; (ii) Bảo hiểm tử kỳ; (iii) Bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ; và (iv) Bảo hiểm hưu trí. Kinh doanh tái bảo hiểm: Nhận và nhượng tái bảo hiểm đối với các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người.

Công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực quản lý quỹ và tiến hành hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực sau: (i) Mua trái phiếu Chính phủ; (ii) Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; (iii) Kinh doanh bất động sản; (iv) Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; (v) Cho vay theo quy định của Luật các Tổ chức Tín dụng; và (vi) Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra doanh nghiệp này còn kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đơn vị thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển ở Việt Nam, hiện Manulife đã có mặt trên toàn quốc với 1 trụ sở chính tại Tòa nhà Manulife Plaza, phường Tân Phú, TP HCM và 87 văn phòng trải dài khắp cả nước.

Khánh Ngân