A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Những năm gần đây, bên cạnh trồng keo lấy gỗ, nhiều nông dân tại bản Pi Ây, xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) đã chuyển đổi một phần diện tích để trồng chuối già lùn, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây.
Nhờ điều kiện môi trường đất, nguồn nước của miền núi ở đây rất trong lành nên chuối già lùn trồng tại vùng đất A Lưới cho chất lượng tốt, vị ngọt, thơm, vỏ dày đặc trưng, lại được canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn, nên rất được người tiêu dùng tại Thành phố Huế và du khách ưa thích. Đặc biệt, sau khi chuối già lùn A Lưới được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã mở ra cơ hội lớn để trái cây này tiếp cận, mở rộng thị trường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, hiện toàn huyện có khoảng gần 400ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn 116ha. Bước đầu, chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa, khẳng định được thương hiệu, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như phát triển phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.
Để phát triển bền vững các vùng trồng chuối già lùn trên địa bàn huyện, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào, thời gian tới, huyện sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử để thương hiệu chuối già lùn A Lưới vươn xa.