Chung tay gìn giữ sắc xanh của những cánh rừng vùng biên

Vùng đất giáp ranh giữa Thanh Hóa và nước bạn Lào được xem là đứa “con cưng” của thiên nhiên với những cánh rừng dày đặc, nhiều loại gỗ quý hiếm. Những năm qua lực lượng kiểm lâm 2 bên thường xuyên phối hợp, hiệp đồng “chiến đấu” để gìn giữ sắc xanh của rừng.
kiem-lam-1716906967.jpg
Lực lượng kiểm lâm huyện Thường Xuân và kiểm lâm nước bạn Lào chụp ảnh lưu niệm tại mốc giới 352.

Tỉnh Thanh Hóa có đường biên giới dài 213km, tiếp giáp với 3 huyện Sốp Bâu, Viêng Xay, Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Có 16 xã, 54 thôn, bản thuộc 5 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, với 115.200ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng 92.160ha.

Khu vực này được đánh giá là vùng giàu tài nguyên rừng với hệ động, thực vật đa dạng, phong phú về chủng loại, trong đó có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ rừng và phát triển rừng tại khu vực này luôn được đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Kiểm Lâm nước Lào thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên diện rộng, kịp thời phát hiện những nguy cơ xâm phạm rừng để có phương án xử lý.

Tại huyện biên giới Mường Lát, nơi đây có 65.359ha rừng phần lớn là rừng tái sinh sau nương rẫy, rừng le, tre, nứa… trong đó có 10.129ha được xác định là vùng trọng điểm cháy. Những năm trước, nơi đây là điểm nóng của hỏa hoạn rừng. Nguyên nhân gây cháy rừng chủ yếu cháy lan từ Lào sang, cháy do Nhân dân vào rừng đốt ong, xử lý thực bì trồng rừng, chăm sóc rừng, sản xuất nương rẫy, khai thác lâm sản ngoài gỗ đã sử dụng lửa tùy tiện không theo đúng quy định.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Hạt Kiểm lâm Mường Lát đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng đến đông đảo người dân khu vực biên giới. Kiện toàn 88 tổ tuyên truyền, với 368 người ở các thôn, bản.

Chỉ tính từ đầu 2024 đến nay trên địa bàn huyện Mường Lát đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền về công tác lâm nghiệp được 77 cuộc, với trên 5.442 lượt người tham gia; biên tập nội dung tuyên truyền bằng tiếng Thái, tiếng Mông, tiếng Kinh phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản được 530 lần; tổ chức tuyên truyền lưu động, các trưởng bản chuyển file tuyên truyền lên nhóm zalo thôn, bản.

Ngoài ra, các tuyên truyền cho các hộ dân nâng cao nhận thức, ký cam kết PCCCR và chấp hành không phá rừng làm rẫy, trồng lại rừng sau khai thác rừng trồng ở tất cả các bản có nương rẫy gần rừng. Hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy và trồng rừng.

Tại huyện Thường Xuân, nơi được mệnh danh là thủ phủ gỗ quý với mật độ giày đặc. Để có thể gìn giữ, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân đã phối hợp tuần tra xong phương rừng trên diện rộng. Đồng thời phối hợp với các xã vùng biên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân gìn giữ, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Bính, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thường Xuân chia sẻ: “Trong những ngày nắng nóng cao điểm, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để hạn chế thiệt hại về do cháy rừng gây ra, Hạt đã phối hợp với Kiểm lâm nước Lào tiến hành kiểm tra song phương trên diện rộng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân sinh sống gần rừng nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Huy động các lực lượng PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra”.

Từ năm 2023 đến nay, Kiểm lâm hai bên thường xuyên duy trì đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin theo các cấp đã được thiết lập. Hạt kiểm lâm 5 huyện biên giới đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát bổ sung 54 quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên 54 thôn, bản vùng biên; tổ chức 38 cuộc họp thôn, bản tại các bản giáp biên giới, với 2.157 người tham gia; tu sửa 5 bảng tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt - Lào tại khu vực cửa khẩu các huyện biên giới.

Cùng với đó, chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, xã đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo công tác BVR, PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” từ huyện đến xã, thôn, bản trọng điểm và chủ rừng Nhà nước; huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng và hỗ trợ phía tỉnh Hủa Phăn chữa cháy rừng khi có yêu cầu./.

Hà Khải