Theo kết quả rà soát và cập nhật của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, vào thời điểm tháng 5/2023 toàn tỉnh có hơn 42.300 ha rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng, trong đó khu vực I gồm: 7 huyện miền núi (Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân), khu vực II gồm các huyện, thị xã trung du và đồng bằng ven biển như thị xã Nghi Sơn, các huyện Hà Trung, Đông Sơn, Thạch Thành, Hậu Lộc, Hoằng Hóa...
Ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nắng nóng, cháy lan từ Lào sang, thì yếu tố chủ quan do các hoạt động sử dụng lửa thiếu kiểm soát của con người là nguyên nhân chính gây nhiều khó khăn cho công tác PCCCR.
Để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR trên địa bàn, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng gay gắt, chính quyền các cấp, các sở, ngành, chủ rừng đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về PCCCR. Trong đó, đã chủ động làm giảm vật liệu cháy dưới tán rừng khu vực rừng trồng Thông có nguy cơ cháy cao được trên 779 ha, nhằm hạn chế nguy cơ gây cháy rừng.
Bên cạnh đó, Kiểm lâm Thanh Hóa cũng thực hiện nghiêm Công điện số 04/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan, chủ rừng nhà nước, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ động PCCCR; tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCCR, tổ chức diễn tập thực hành thành thạo các nội dung chữa cháy rừng theo phương án đã lập để khi xảy ra cháy rừng các địa phương, chủ rừng chủ động chữa cháy kịp thời, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thực hiện nghiêm túc chế độ trực chỉ huy PCCCR 24/24 giờ trong ngày, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm nguồn lửa đem vào rừng; thường xuyên dự báo và thông tin cấp cháy rừng đến các địa phương, đơn vị để chủ động bố trí lực lượng, dụng cụ, phương tiện chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Ngoài ra, Kiểm lâm Thanh Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức như: Họp thôn/bản, phát qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền thanh lưu động, tổ chức các cuộc thi truyền thông về BVR, PCCCR. Song song đó, thường xuyên hướng dẫn việc xử lý thục bì trồng rừng và sản xuất nương rẫy của nhân dân trên địa bàn.
Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã lắp đặt và sử dụng hiệu quả 11 Camera IP có độ phân giải cao để quan sát, phát hiện sớm lửa rừng; các địa phương đã chủ động tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; rà soát các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao và quản lý chặt chẽ; tổ chức tuần tra, canh gác lửa rừng và trực gác lửa rừng tại 53 vị trí ở các khu rừng trọng điểm. Đặc biệt, trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao, lực lượng Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ người ra, vào các khu vực trọng điểm và nghiêm cấm các hành vi sử dụng lửa trong và ven các khu rừng khi dự báo cấp cháy rừng từ cấp IV trở lên và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng huy động khi có cháy rừng xảy ra.