Chữ Dũng chữ Nghĩa

Thánh Dực – Dũng nghĩa truyện là một tập truyện ngắn mỏng, tập truyện này – theo tác giả Thành Châu – được lấy cảm hứng từ cuộc đời của danh tướng Trần Bình Trọng và đội quân Thánh Dực nổi danh trong lịch sử, gồm bốn truyện ngắn được sắp xếp theo tuyến thời gian trong dòng chảy nghìn năm nén gọn: Thuồng Luồng; Thánh Dực Dũng Nghĩa; Hỏa Tước Nguyên Võ; Bạch Tượng và Nữ Tướng.
thanh-duc-dung-nghia-truyen-1-1639661703.jpg
Tác giả, tác phẩm

Thuồng Luồng là linh vật trên sông, là thủy thần ẩn dưới nước nghìn năm, từng xuất hiện trong nhiều truyền thuyết, dân nước Nam có tục xăm lên mình những hình xăm như thuồng luồng, thủy quái để tránh bị quấy nhiễu, song còn có một vài lời đồn thổi khác, rằng thuồng luồng cũng có thể hóa rồng. Có thể hóa rồng nhưng không phải là rồng, đó như lời nguyền về cuộc đời vị hoàng tử thứ bảy triều Lý - Lý Long Tường. Quyền lực xáo trộn, thay triều hoán vị, tông thất tiền triều phiêu bạt chân trời, tuy nhiên dẫu có thế nào thì lúc này bản thân vị hoàng tử đó cũng chẳng thể làm gì được nữa. Chẳng thể làm gì được nữa, đó là điều đáng tiếc biết nhường nào.

Tuy nhiên, trong cảnh tha hương ấy, ông vẫn cố gieo trồng giống cau dây trầu đất tổ, dẫu biết rằng nó chẳng thể nào mọc được trên mảnh đất mà mình đang sinh sống. Ngay cả khi quân giặc tràn vào lãnh thổ Cao Ly, thì với sức mình, ông vẫn đứng lên ra trận, coi đó là quê hương thứ hai mà dốc lòng chiến đấu. Hoặc có lẽ trong lòng ông, ranh giới giữa quốc gia này và quốc gia kia đã bị xóa nhòa. Là một người mang trong mình mối nhục mất nước, mang theo dòng máu rồng cháy rần rật trong huyết quản, cho tới khi tóc bạc da mồi, con cháu đông đúc, vị hoàng tử tha hương đó vẫn ngoái đầu nhớ cố quốc.

Đối với Thánh Dực dũng nghĩa, tác giả lại chọn một kết cấu khá truyền thống, đặt tên cho từng phần của câu chuyện, dùng lối viết khiến ta không khỏi liên tưởng tới tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh, và gần đây là lối viết của Kim Dung. Lấy nền chính là cuộc đời của danh tướng Trần Bình Trọng, sự uy dũng của đội quân Thánh Dực trong cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ nhà Trần, đan xen là tình yêu, tình nghĩa chủ tớ, tình nghĩa quân thần, đặc biệt xuất hiện trong quân Thánh Dực đó là một chú chó sói tên Quỷ Tật. Nổi bật trên những trường cảnh trong truyện ngắn là cuộc đấu trí, đấu dũng, cân đo sức mạnh giữa quân Đại Việt và quân Nguyên - Mông.

Thời gian cuộn chảy, lịch sử đã định sẵn kết cục và số mệnh của các nhân vật nằm trong nó, câu chuyện khép lại với máu và nước mắt: “Từng người từng người gục ngã, nhưng lá cờ Thánh Dực Dũng Nghĩa màu huyết dụ vẫn hiên ngang, đứng thẳng cho đến giây phút cuối cùng.” (trích truyện ngắn Thánh Dực dũng nghĩa), cũng khép lại bằng sự cảm phục của phe đối địch. Không gian và thời gian tiếp tục hoán đổi, chảy dọc vào mảnh đất nằm sau dãy Hoành Sơn.

“Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm!”

Từ thành Thăng Long, vùng cố kinh nghìn năm cho tới Gia Định, Hỏa Tước Nguyên Võ khắc họa về Võ Tánh thuộc Gia Định Tam Hùng (hai người còn lại là Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp), một thế lực nằm ngoài thế lực của Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh (sau này là Hoàng đế Gia Long), nhân vật này là một nhân vật thú vị, có sự chất phác và khảng khái của kẻ phiêu bạt tứ xứ nhưng cũng có dũng có mưu của người được xưng tụng “Gia Định tam hùng, Võ Tánh đệ nhất”. Song nhi nữ trường tình anh hùng khí đoản, sau khi trông thấy Ngọc Du tức chị gái của Nguyễn Phúc Ánh, cũng là người con gái với tóc mây thướt tha xuất hiện ở đầu câu chuyện, Võ Tánh quyết định chọn mình nên đứng về phía ai, mà tất nhiên quyết định này đến từ cá nhân cũng đến từ bức tranh lớn mà y đã vạch ra từ lâu.

Thế sự mênh mang, cuộc đời đằng đẵng, trong dòng chảy thời gian này vận mệnh mà con người nắm giữ khó có thể thay đổi, không ai biết cái kết kiếp này sẽ ra sao, nào ai hay kiếp sau sẽ thế nào, đành ôm một bầu hùng tâm tráng trí, dốc cho phỉ cái chí bình sinh. Hiềm một nỗi, cuối cùng Võ Tánh vẫn chẳng thể nào được chứng kiến tận mắt cái ngày mà chiến hỏa ngừng lại, Nam Bắc thống nhất, tuẫn tiết tại thành Bình Định.

Tập truyện ngắn khép lại bằng Bạch Tượng và Nữ tướng, truyện cũng như tên, nói về mối quan hệ chủ tớ - mà nói đúng hơn là bạn bè - gắn kết giữa Bùi Thị Xuân và con voi trắng nổi tiếng của bà: Hỏa tượng, con voi đã từng bị loài người tra tấn hành hạ, mất niềm tin vào con người, song đồng thời cũng lấy lại niềm tin đối với con người sau khi gặp được Bùi Thị Xuân. Dọc theo chân voi và nữ tướng là cuộc chiến không cân sức giữa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Phúc Ánh, từ buổi ban sơ cho tới khi Tây Sơn lật đổ tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh, biến loạn ở Bắc Hà, đẩy lùi quân Thanh và thế lực Tây Sơn suy tàn rồi bị Nguyễn Phúc Ánh tiêu diệt về sau, kết lại bằng cái chết đầy đau đớn của Bùi Thị Xuân, đặt dấu chấm cho một triều đại đã từng rực rỡ.

Điểm mạnh của tác giả là khả năng miêu tả những trận đánh lớn, rộng, có thể thấy được sự tìm tòi, vận dụng trí tưởng tượng, óc sáng tạo dựa trên các dữ liệu trong chính sử và dã sử khi đọc. Cách sử dụng phương ngữ đối với hai truyện ngắn Hỏa Tước Nguyên Võ, Bạch tượng và Nữ tướng cũng khiến cho câu chuyện trở nên gần gũi, thú vị hơn.

Trong mười năm trở lại đây, chất liệu dã sử, chính sử dần được quan tâm khai thác, được nhiều tác giả, nhà văn trẻ quan tâm, đào sâu tìm tòi, để rồi từ đó phủ vết rêu mờ, vẽ lại một khoảng thời gian đã qua mà chẳng bao giờ trở lại, đưa các nhân vật từng bị đóng cứng trong các trang sách quay về với các góc nhìn khác nhau và hiện đại. Thành Châu là một tác giả trẻ, nằm trong số các tác giả mới xuất hiện trên văn đàn, có thể thấy được tình yêu của tác giả với đề tài lịch sử này từ những câu văn trong tập truyện Thánh Dực dũng nghĩa, cũng như bản thân tác giả giãi bày: “Lịch sử là viên ngọc quý ẩn trong lớp bụi thời gian. Tôi nguyện làm một kẻ mải đi tìm ngọc"./.

Ms Quỳnh