Sau nhiều năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU, các bộ, ban, ngành trung ương có liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU đạt nhiều kết quả tích cực: đã hoàn thiện khung pháp lý; công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước và nhập khẩu; công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính được cải thiện.
Tuy nhiên, qua đợt thanh tra lần thứ 3 (tháng 10/2022), EC đã chỉ ra những hạn chế, tồn tại chậm khắc phục như: tình trạng tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới biển vẫn diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra, xử lý vi phạm hành chính tại địa phương còn rất hạn chế; công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng chưa chặt chẽ; thực hiện xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước còn nhiều tồn tại; tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra, diễn biến phức tạp… Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương tập trung đánh giá tình hình chống khai thác IUU; những khó khăn, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả khuyến cáo của EC tại lần thanh tra thứ 3, quyết tâm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU của EC.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ chống khai thác IUU vì lợi ích người dân, lợi ích quốc gia, hình ảnh đất nước và thực hiện cam kết, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân bởi "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 4 (dự kiến tháng 4/2023) có kết quả tốt, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng, ban hành kế hoạch chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến… Các bộ, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng, chống khai thác IUU.
Các địa phương nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác IUU; sâu sát, trực tiếp, nắm vững địa bàn quản lý, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ pháp luật; rà soát, thống kê số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành việc cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký, đăng kiểm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nhập dữ liệu tàu cá… để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá.
Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để theo dõi, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU. Ưu tiên bố trí nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đúng quy định. Về lâu dài, cần quy hoạch lại nghề biển, chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân vì mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân./.