Giao khoán rừng giúp nông dân hưởng lợi kép
Thượng Trạch là xã biên giới vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình). Xã nằm cách trung tâm huyện khoảng 85km, địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, chưa có điện lưới (đang sử dụng điện mặt trời và điện máy nổ).
100% dân tộc thiểu số chủ yếu là người Brũ – Vân Kiều, trong đó có hơn 65% hộ nghèo. Cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn rất khó khăn; điều kiện kinh tế xã hội nhìn chung còn khá hạn chế, chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi.
Tại địa phương, quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cũng có giới hạn, do phần lớn là đất lâm nghiệp, chiếm 98% tổng diện tích. Trong đó: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, chiếm 82% tổng diện tích tự nhiên.
Cũng do tập quán canh tác lạc hậu theo chế độ bỏ hóa, chưa đầu tư thâm canh nên diện tích đất sản xuất đưa vào sử dụng hàng năm còn hạn chế, hệ số sử dụng đất thấp. Vì thế, người dân tại địa phương này thu nhập chủ yếu dựa vào rừng, mà nguồn vốn không nhiều nên họ chủ yếu khai thác rừng.
Tại xã Thượng Thạch, trong những năm gần đây, công tác giao đất, giao rừng đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương quan tâm, bảo đảm tạo sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc có đất và rừng để sinh sống.
Đến nay, 80% diện tích đất rừng tự nhiên và rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có chủ, góp phần hạn chế tối đa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng. Trong đó, rừng chủ yếu là những cây gỗ lâu năm như: cây dổi, cây bằng lăng…
“Mỗi cá nhân sẽ chủ động đăng ký nhận giao khoán rừng, tùy thuộc từng bản mà diện tích giao khoán khác nhau. Mỗi người sẽ được hỗ trợ kinh phí giao khoán là 15kg gạo/tháng và được hỗ trợ trong 9 tháng”, ông Nguyễn Trường Chinh – Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch chia sẻ.
Chính sách trồng rừng kết hợp giao đất cho người dân đã được triển khai rộng rãi trong khu vực và mang lại lợi ích kép vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Người trồng rừng gia tăng thu nhập từ tín chỉ các bon
TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển, chuyên gia về phát triển rừng: Việc tham gia thị trường tín chỉ các bon không chỉ giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, giảm các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học, tiến tới phục hồi các quần thể động, thực vật hoang dã quý hiếm mà còn giúp Chính phủ Việt Nam giảm gánh nặng tài chính cho công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hà, công tác quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả sẽ tạo ra tín chỉ các bon để có thể trao đổi, chuyển nhượng trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng, cái mà từ trước đến nay chúng ta chỉ có chi (đầu tư vào công tác quản lý và bảo vệ rừng) chứ không có thu từ hoạt động này. Đây là một hướng đi mới giúp Chính phủ Việt Nam giảm gánh nặng tài chính cho công tác quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho chủ rừng và lợi ích môi trường cho xã hội.
"Các chủ rừng có tiền để tái đầu tư vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng bằng cách hợp đồng thuê khoán hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, cộng đồng địa phương. Cách làm này sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời giảm các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và tiến tới phục hồi các quần thể động, thực vật hoang dã quý hiếm" TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.
Việt Nam đang hướng tới xây dựng thị trường tín chỉ các bon nhằm thực hiện “Đóng góp do quốc gia tự quyết định”(NDC), theo TS Nguyễn Mạnh Hà chúng ta cần xây dựng khung pháp lý về các bon, trong đó có các bon rừng. Trong đó, quy định rõ cần một lượng các bon rừng là bao nhiêu để đóng góp vào Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định, ở đâu, loại rừng nào? Tín chỉ các bon rừng được giao dịch theo thị trường nào?
Hiện nay, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được giao cho BQL Rừng đặc dụng, Rừng phòng hộ, các tổ chức kinh tế, các hộ gia đình và UBND các xã. Đối với tín chỉ các bon được tạo ra từ trồng rừng, yêu cầu là phải có diện tích đủ lớn (ít nhất là vài nghìn héc ta). Tuy nhiên, diện tích đã giao cho các hộ gia đình nhỏ và manh mún nên địa phương cần phải có chương trình giống như “dồn điền đổi thửa” cho các diện tích lâm nghiệp.
"Tín chỉ các bon bắt nguồn từ loại rừng nào phải theo thị trường bắt buộc, loại rừng nào theo thị trường tự nguyện? Ai và cấp nào phê duyệt dự án các bon rừng? Quyền các bon thuộc về ai? Cơ quan nào sẽ quản lý nguồn tiền từ bán tín chỉ các bon rừng thuộc sở hữu nhà nước (từ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất)? Cơ chế chia sẻ lợi ích từ tín chỉ các bon ra sao? Tín chỉ các bon được tạo ra từ rừng thuộc tư nhân, doanh nghiệp có phải đóng góp vào báo cáo NDC không?" - TS Nguyễn Mạnh Hà nêu quan điểm./.