Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị tạo sinh kế bền vững

Trồng rừng không chỉ góp phần nâng cao độ che phủ rừng mà còn giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều người dân. Do vậy, để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển rừng theo hướng bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
trong-rung-thai-nguyen-01-1709088132.jpg
Chương trình “trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vượt kế hoạch đề ra. (Ảnh minh họa)

Trồng rừng đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên 46%

Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung (trong đó có 120ha rừng phòng hộ và 3.280ha rừng sản xuất) cùng 1,19 triệu cây xanh phân tán, đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 46% và tổng sản lượng khai thác gỗ trong trồng rừng tập trung và phân tán đạt 285.000m3.

Đặc biệt, nếu như những năm trước đây do việc thiết kế, khai thác rừng muộn, kéo theo việc trồng rừng kết thúc muộn, đến tận tháng 5 mới hoàn thành thì năm 2024, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã đẩy nhanh quá trình và hoàn thành việc thiết kế, khai thác rừng ngay từ tháng 12/2023. Theo đó đã đẩy nhanh được tiến độ trồng rừng tập trung và dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong tháng 3/2024.

Bên cạnh đó, năm nay cũng là năm đầu tiên ngành nông nghiệp Thái Nguyên tổ chức Tết trồng cây bằng việc hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trồng rừng tập trung nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên, nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển nông lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức lựa chọn các loài cây lâm nghiệp phù hợp, tăng tỷ lệ giống từ mô, hom, cây rừng đa tác dụng, cây dược liệu kết hợp dưới tán rừng. Đồng thời khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng.

Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp, hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đều chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp.

“Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng chủ động kiểm tra quy trình sản xuất, nguồn gốc, chất lượng giống cây lâm nghiệp tại các vườn ươm trên địa bàn. Đợt kiểm tra gần đây nhất cho thấy, các vườn ươm trên địa bàn tỉnh đều thực hiện theo quy trình kỹ thuật, chất lượng cây giống đảm bảo”, ông Lê Cẩm Long thông tin.

trong-rung-thai-nguyen-03-1709088116.jpg
Cán bộ Ban quản lý rừng ATK Định Hóa hướng dẫn người dân địa phương chăm sóc diện tích cây quế mới trồng. (Ảnh: Phạm Hiếu).

Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất - kinh doanh giống cây lâm nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trồng rừng bằng cây giống lâm nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng, được mua từ các cơ sở có uy tín.

“Thời điểm hiện tại, lực lượng kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đang tập trung hướng dẫn bà con phát dọn, xử lý thực bì. Đồng thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động những điều kiện đảm bảo cho trồng rừng, cung ứng đầy đủ giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng”, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết.

Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu cây giống có chất lượng, đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thực hiện mục tiêu phát triển rừng bền vững, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cũng khuyến cáo người dân chuẩn bị tốt các điều kiện như: Tìm mua cây giống tại các cơ sở uy tín, đã được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất vườn theo quy định, tuyệt đối không mua cây giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng...

Trồng rừng gỗ lớn tạo sinh kế bền vững

Tỉnh Thái Nguyên có gần 180.000 ha đất lâm nghiệp. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển rừng theo hướng bền vững, thời gian qua tỉnh đang đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC... Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng, phát triển rừng theo hướng bền vững, thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang hước dẫn người dân đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC. Đây được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững.

Ông Nịnh Văn Đông, xóm Đèo Khế, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ chia sẻ: "Sau khi tập huấn chúng tôi nhận thấy là cái FSC này khó khăn nhất trong việc giải quyết thực bì, bên cạnh đó cũng có những khó khăn khác như là thay đổi cái truyền thống làm của người dân trước đây nhưng mà cái thay đổi này nó lại có lợi cho người dân. Qua buổi tập hấn chúng tôi đã nắm được thêm kỹ thuật trồng cây keo làm đảm bảo cho cây phát triển tốt".

Năm 2023, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra, kiểm tra 18 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản. Nhờ quản lý, giám sát chặt chẽ, nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không có “điểm nóng” về khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, công tác PCCC rừng thường xuyên được chú trọng thực hiện.

Ông Bùi Văn Đạt, Chủ cơ sở chế biến lâm sản xã Phú Cường (huyện Đại Từ) cho biết: "Chúng tôi nhập nguyên liệu gỗ đều có nguồn gốc từ rừng trồng và được cấp phép khai thác của các cơ quan chức năng".

trong-rung-thai-nguyen-04-1709088196.jpg
Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch trồng 3.400ha rừng tập trung và 1,19 triệu cây xanh phân tán. (Ảnh minh họa)

Ông Đinh Quang Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đại Từ thông tin: "Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho bà con nhân dân, đặc biệt là các chủ cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, đồng thời trực tiếp đến từng cơ sở tuyên truyền phổ biến và yêu cầu các chủ cơ sở phải thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật".

Nhờ làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tình hình an ninh rừng trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Các chỉ tiêu về quản lý, bảo vệ rừng đều đạt và vượt kế hoạch được giao, tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 46%, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt hơn 690 tỷ đồng.

Ông Lê Cẩm Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 13 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ đã được tỉnh và ngành giao như trồng rừng tập trung, cấp chứng chỉ rừng, trồng rừng gỗ lớn, thực hiện các dự án sản phẩm chủ lực".

Để hoàn thành các mục tiêu trồng rừng và phát triển kinh tế rừng năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ngoài nỗ lực của địa phương, rất cần có các chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống./.

Bình Châu