CPI tháng 6 tăng 0,17% so với tháng trước
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng nay (29/6) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng Sáu tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.
CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.
Tổng cục Thống kê cho rằng, mức tăng 0,17% so với tháng trước là do giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi tại một số địa phương. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế của một số tỉnh/thành phố được điều chỉnh tăng khiến CPI tăng nhẹ.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 do các nguyên nhân: Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm %).
Theo Tổng cục Thống kê, CPI cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, diễn biến giá cả thị trường tháng 6/2024, trong mức tăng 0,17% của CPI tháng 6/2024 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Cụ thể, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh nhất với mức 0,75%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong nhóm hàng này, lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 1,07%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,26%.
Trong khi đó, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,68%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,6%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,35%.
Các nhóm hàng hóa còn lại, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%.
Đặc biệt, tháng Sáu năm nay, sau một thời gian dài chỉ có giảm, nhóm bưu chính - viễn thông đã tăng 0,02%. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nguyên vật liệu đầu vào và chi phí nhân công tăng. Trong đó, giá dịch vụ sửa chữa điện thoại tăng 0,28%; phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng tăng 0,16%.
Chỉ số giá vàng tháng 6 giảm 2,64% so với tháng trước
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, bao gồm: nhóm giáo dục giảm 0,01%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,11%; nhóm giao thông giảm 2,27%. Việc nhóm giao thông giảm giá khá mạnh đã góp phần làm CPI chung giảm 0,22 điểm phần trăm.
Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%). Nguyên nhân chủ yếu là do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 2,64% so với tháng trước; tăng 18,26% so với tháng 12/2023; tăng 29,51% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng vẫn tăng 24,02% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 6/2024 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%.
Như vậy, bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản đạt 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản./.