7 tháng, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tăng 2,54%

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, bình quân 7 tháng CPI tăng 2,54%, giá xăng dầu tăng mạnh được cho là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng.

Sáng 29/7, Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số CPI tháng 7/2022 tăng trưởng. Cụ thể, so với tháng trước, CPI tháng 7 khu vực thành thị tăng 0,42%; khu vực nông thôn tăng 0,37%. Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm do giá xăng dầu trong nước giảm. Cũng so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 7/2022 tăng, trong các nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 7/2022 giảm 2,85% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm

Trong 10 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn khi trong tháng 7/2022, giá lương thực (gạo, mỳ..), thực phẩm (thịt lợn, dầu mỡ, rau…), ăn uống ngoài gia đình tăng so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch; nhà ở và vật liệu xây dựng… cũng đóng góp vào mức tăng của CPI tháng 7.

sieu-thi-trai-cay-nhap-khau-3-min-16021245179001188578299-1659081383.png
Ảnh minh họa.

Tính chung, CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tổng cục Thống kê đưa ra 5 nguyên nhân làm tăng CPI 7 tháng đầu năm, bao gồm: Thứ nhất, giá xăng dầu được điều chỉnh 19 đợt, trong đó có 6 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 tăng 2.780 đồng/lít; xăng E5 tăng 2.520 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.280 đồng/lít.

"Bình quân 7 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,79 điểm phần trăm" - Tổng cục Thống kê nêu rõ. Ngoài ra, giá gas 7 tháng năm nay tăng 23,78% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.

Một số mặt hàng giảm giá giúp kéo giảm CPI 7 tháng đầu năm có thể kể đến: Thực phẩm giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm); Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,42% (làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm)…

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, Lạm phát cơ bản tháng 7 tăng 0,58% so với tháng trước. Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 1,44% so với cùng kỳ năm 2021.

Hơn 133.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết trong tháng 7, cả nước có gần 13.200 doanh nghiệp thành lập mới và 2.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước có 133.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 19.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trong chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94.600 doanh nghiệp (bình quân 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng).

Anh Vân (t/h)