Nhiều trung tâm logistics sẽ được xây dựng tại vùng Đông Nam Bộ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, gồm 6 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cụ thể, hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế sẽ được phát triển gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng.

Bộ GTVT sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương liên quan đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với sân bay quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, đặc biệt là cảng biển trọng điểm nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Về giải pháp thực hiện, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp hơn cho quản lý phát triển thị trường vận tải; phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tạo thuận lợi cho vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

28-1685094448.jpg

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ quan tâm đến việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải; hình thành những doanh nghiệp lớn về logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường; nâng cao số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trọn gói, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đạt chất lượng dịch vụ cao hơn. Đồng thời, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải; khuyến khích doanh nghiệp vận tải ứng dụng công nghệ để quản lý giám sát phương tiện và tích cực tham gia sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ nhằm tối ưu hóa tuyến đường vận tải, giảm thiểu tình trạng xe chạy rỗng, tiết kiệm chi phí...

Thi Nguyên (t/h)