Các cảng Việt Nam hiện đang chịu sức ép lớn từ các luật chơi mới trên thế giới
Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), các cảng Việt Nam hiện đang chịu sức ép lớn từ các luật chơi mới trên thế giới. Đó là chương trình The Climate Pledge (Cam kết về khí hậu - TCP) do Công ty Amazon và tổ chức khí hậu Global Optimism đồng sáng lập năm 2019.
Hiện có khoảng 539 công ty, đại diện cho 60 ngành công nghiệp tại 45 quốc gia, tham gia TCP. TCP cam kết thúc đẩy đầu tư phát triển các sản phẩm và dịch vụ phát thải carbon thấp. Mục tiêu đến năm 2040, các thành viên TCP sẽ đạt được Netzero, sớm hơn 10 năm so với Thỏa thuận Paris 2015 về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cảng xanh, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), hiện có rất nhiều loại nhiên liệu xanh nhưng các nước tham gia hành lang hàng hải xanh đang hướng đến methanol, green methanol. Có 5% tổng số tàu container của các hãng tàu lớn nhất thế giới được đóng mới đã chuyển sang sử dụng methanol và điện. Như vậy, cảng biển nào có trạm cung methanol, trạm cấp điện bờ sẽ là điểm đến khuyến khích (sau 2030) và bắt buộc (sau 2050) của các hãng vận tải biển thế giới.
Theo ông Tuấn, câu chuyện chuyển đổi xanh, câu chuyện methanol, ngoài những mục đích cao cả như bảo vệ môi trường và những mục đích nhân văn khác, sâu bên trong vẫn là vấn đề lợi ích, là câu chuyện của các nước lớn. Vì người thiết lập luật chơi là những nước giàu, những nước phát triển và cũng là các nước có sản lượng methanol lớn nhất thế giới, trong đó Trung Quốc hiện chiếm trên 60%, tiếp đó là Nga, EU và Mỹ.
Theo ông Đoàn Trung Nguyên - Phó Tổng Giám đốc cảng Nam Đình Vũ, ngay khi mới đi vào hoạt động, cảng đầu tư hệ thống trang thiết bị sử dụng năng lượng điện như cẩu bờ, cẩu bãi thay vì các thiết bị hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi... Cảng cũng không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu, áp dụng các biện pháp giảm tiếng ồn, giảm bụi trong không khí, các yếu tố bức xạ. Bên cạnh đó, đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom, tái chế và xử lý rác thải rắn, rác thải độc hại...
Hiện, các cảng biển tại Hải Phòng cũng được các chuyên gia đánh giá cao vì đã dần xây dựng được lộ trình cụ thể, phù hợp với thực tiễn phát triển của từng doanh nghiệp để bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh. Trong đó, tập trung thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch, carbon thấp, thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển. Đồng thời, triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng nhằm cải thiện môi trường làm việc.
Song, cho đến nay, quá trình chuyển đổi xanh tại các cảng biển của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn thiếu sự đồng bộ do thiếu tính kết nối giữa các đơn vị. Chính vì vậy, Hải Phòng vẫn chưa tạo ra được một cuộc “cách mạng” xanh hoá cảng biển trong suốt thời gian qua.
Doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng, vì áp lực phải chuyển đổi đã rất cận kề
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cùng nhiều quốc gia có cam kết tiến tới Net-Zero vào năm 2050. Dự báo đến 2030, cảng biển, luồng hàng hải nào không xanh sẽ bị hãng tàu loại khỏi danh sách.
Được biết, đến nay có khoảng 60 - 70% số tàu hàng đóng mới trên thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu xanh. Trong tương lai, 100% số tàu hàng sẽ không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các tàu sử dụng nhiêu liệu xanh đòi hỏi cảng phải xanh, tàu dẫn xanh. Do đó, đòi hỏi các cảng cũng phải gấp rút tìm phương án xanh hoá một cách hiệu lực, hiệu quả.
Trong bối cảnh trên, Việt Nam đã có những chuyển động tích cực nhằm chủ động thích ứng. Theo ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, để góp phần thực hiện mục tiêu trên, Cục Hàng hải đã ban hành và đề xuất Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng loạt văn bản liên quan đến phát triển cảng xanh nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cảng chuyển đổi xanh.
Cụ thể, năm 2020 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ký Quyết định 2027/QĐ-BGTVT, phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh. Năm 2021, Cục Hàng hải có Quyết định 710/QĐ-CHHVN thực hiện Đề án phát triển cảng xanh.
Năm 2022, Thủ tướng ký Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Cùng năm, Cục Hàng hải đã ban hành tiêu chuẩn cơ sở TCCS 02:2022/CHHVN về tiêu chí cảng xanh.
Tiêu chí trên hiện đang được thí điểm tại Cảng Cát Lái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cảng biển khác cũng tự nguyện áp dụng các tiêu chí này. Qua đánh giá, ngoài Cảng Cát Lái, nhiều cảng biển khác đã đáp ứng được tiêu chí cảng xanh như Cảng Tân Cảng Cái Mép Thị Vải, Cảng Gemadept Dung Quất, Cảng Đà Nẵng, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (HICT), Cảng Nam Đình Vũ...
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động tiến hành các cuộc họp tham vấn với Hoa Kỳ về thực hiện Hiệp định vận tải biển Việt Nam-Hoa Kỳ; trong đó bày tỏ sự quan tâm tới việc thí điểm tuyến hành lang vận tải biển xanh kết nối giữa 2 nước.
Chia sẻ từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải cho biết Nhà nước sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách và pháp luật.
Cục Hàng hải đã ghi nhận được rất nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp. Hiện Cục đang tích cực tham mưu, kiến nghị với bộ và Chính phủ sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp có không gian phát triển, giảm rủi ro về đầu tư, có thêm nguồn thu để tự tin, mạnh dạn chuyển đổi xanh.
Ngoài ra, Cục Hàng hải sẽ thúc đẩy tổ chức Diễn đàn Hàng hải hằng năm, vừa nhằm quảng bá các thành tựu phát triển của hàng hải, cảng biển Việt Nam, vừa tạo môi trường cho doanh nghiệp, các bên kết nối giao thương, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như đóng góp ý kiến xây dựng ngành phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng Ban dịch vụ logistics - Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng để có thể chuyển đổi xanh hiệu quả, các doanh nghiệp hãy bắt đầu từ những bước nhỏ, nhưng phải hành động nhanh chóng, trong đó, mục tiêu lớn là cam kết của Chính phủ về vai trò của Việt Nam trên thế giới. Những bước nhỏ là đi từ những việc nhỏ, xác định rõ nguyên nhân để tìm giải pháp xử lý, sau đó làm lớn dần. Và doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng, vì áp lực phải chuyển đổi đã rất cận kề, không còn xa nữa./.