Tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thủy điện... Đây là nguồn năng lượng quan trọng trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc sản xuất năng lượng từ các nguồn tái tạo này gặp phải những thách thức lớn như tính không ổn định và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như nắng, gió, thủy triều. Đây là vấn đề mà các công nghệ công nghiệp 4.0 có thể giải quyết hiệu quả.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Scotland) tháng 11/2021, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; cam kết không xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng cơ cấu năng lượng của quốc gia. Đồng thời, tăng cường phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và các nguồn năng lượng sạch khác.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với trọng tâm chính sách phát triển năng lượng là xu hướng xanh, sạch và thân thiện với môi trường, Việt Nam đã quy hoạch các vùng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, trở thành trung tâm phát triển năng lượng tái tạo. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, chuyển dịch sang nền kinh tế xanh.
Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng và ban hành nhiều chiến lược phát triển năng lượng trong đó có Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng công suất phát điện quốc gia.
Với những mục tiêu cụ thể, Việt Nam hướng tới giảm phát thải khí nhà kính và đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây không chỉ là một nhiệm vụ bắt buộc trong phát triển bền vững mà còn là cơ hội thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Cách mạng Công nghiệp 4.0, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và tự động hóa, đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong ngành năng lượng. Việc áp dụng các công nghệ sẽ mở ra cơ hội cho một tương lai năng lượng bền vững, đồng thời giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Bên cạnh đó, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý năng lượng tại các nhà máy, tòa nhà và khu dân cư. Các hệ thống quản lý năng lượng thông minh sử dụng dữ liệu lớn và phân tích dựa trên AI để giám sát việc sử dụng năng lượng trong thời gian thực.
Hệ thống này có thể đưa ra các khuyến nghị và điều chỉnh hoạt động của các thiết bị tiêu thụ năng lượng, từ đó giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để tận dụng hết tiềm năng của các công nghệ, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ, các nhà phát triển công nghệ và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ
Mặc dù công nghệ mang lại nhiều lợi ích trong việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn những thách thức. Một trong những thách thức lớn là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao và đào tạo nhân lực có kỹ năng để vận hành các hệ thống này. Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi các chính sách và quy định phù hợp để bảo đảm sự bảo mật và bền vững trong sử dụng năng lượng.
Đưa ra giải pháp, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất xây dựng các chương trình phát triển công nghệ trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển, giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống. Đồng thời, tạo cơ chế thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tham gia vào nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng, Bộ Công thương nhận định, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy nội địa hóa năng lượng tái tạo bằng việc tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo. Ông khuyến nghị, để đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo vào nguồn năng lượng quốc gia, cần đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời.
Bày tỏ quan điểm của mình, bà Vũ Chi Mai, Giám đốc dự án Năng lượng sạch, chi phí hợp lý và an ninh năng lượng cho các nước Đông Nam Á (CASE) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa nội địa hóa trong phát triển điện gió, điện mặt trời. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, các dự án thử nghiệm, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng để tối đa nội địa hóa.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam luôn xác định phát triển năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững. Do vậy, chiến lược đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 là vô cùng quan trọng. Từ đó, hướng tới xây dựng ngành năng lượng Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, thân thiện với môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia./.