Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) - Thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu và động lực để chuyển đổi năng lượng xanh

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU nhưng cũng là cơ hội, động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh.
co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-cua-lien-minh-chau-au-eu-1-1737707823.webp
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) được EU đưa ra trong khuôn khổ cam kết giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới và hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Nguồn: Shutterstock)

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU) - The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism (CBAM) là thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu, được đưa ra trong khuôn khổ cam kết giảm lượng khí thải carbon trên toàn thế giới và hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

CBAM có hiệu lực từ 1/10/2023, áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen. Từ ngày 1/1/2026, cơ chế này sẽ chính thức áp thuế carbon đối với các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào thị trường EU.

4 thách thức chính

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (EU).webp
Tiến sĩ Devmali Perera, Giảng viên Tài chính, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Minh)

Trao đổi với Báo Thế giới và Việt Nam, Tiến sĩ Devmali Perera, Giảng viên Tài chính, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho biết: Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2022, mức phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đã tăng nhanh trong 30 năm qua song song với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc của đất nước. Do đó, CBAM chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, nhất là bốn ngành sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón. Các thách thức lớn nhất gồm:

Thứ nhất, CBAM có thể làm tăng chi phí hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, khiến lợi nhuận/doanh thu từ hoạt động xuất khẩu này giảm.

Thứ hai, việc thiếu nhận thức về CBAM và tác động của nó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước hiện nay chưa đủ nhận thức và hành động cần thiết về định giá carbon hay báo cáo lượng khí thải carbon.

Thứ ba, để giảm gánh nặng thuế carbon và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đầu tư vào công nghệ và phương pháp sản xuất xanh sạch hơn. Quá trình chuyển đổi này đòi hỏi vốn đầu tư, nghiên cứu và phát triển – đây có thể là thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Hơn nữa, để tuân thủ CBAM, doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán chính xác lượng khí thải carbon trong sản phẩm của mình, cần hệ thống minh bạch và đáng tin cậy để theo dõi và báo cáo lượng khí thải carbon của doanh nghiệp. Điều này có thể đòi hỏi họ phải điều chỉnh đáng kể cách vận hành và cơ sở hạ tầng hiện tại.

Cuối cùng là việc thiếu chính sách, lộ trình chiến lược rõ ràng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam điều hướng CBAM một cách hiệu quả.

Biến khó khăn thành động lực

Để giải quyết những thách thức trên đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo hàng xuất khẩu của Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU, đồng thời đóng góp vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Devmali Perera cho rằng, để giảm thiểu tác động của CBAM, trong ngắn hạn, Việt Nam nên tập trung chủ yếu vào hai việc. Đầu tiên, Chính phủ nên tích cực tham gia đối thoại với EU và các đối tác thương mại khác để đàm phán về các thỏa thuận chuyển tiếp, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Thứ hai, nâng cao nhận thức của các nhà xuất khẩu Việt Nam về CBAM và những tác động của nó là việc cần làm.

Về dài hạn, Chính phủ cần thiết lập cơ chế định giá carbon toàn diện và hệ thống báo cáo carbon bài bản, cùng với kế hoạch chiến lược nhằm giảm lượng khí thải carbon tại các doanh nghiệp. Cách tiếp cận này sẽ dẫn đường cho các doanh nghiệp áp dụng thông lệ bền vững bằng cách điều chỉnh các ưu đãi kinh tế phù hợp với các mục tiêu bền vững về môi trường.

co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-cua-lien-minh-chau-au-eu-3-1737707837.webp
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu (CBAM) đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình “xanh hóa”, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh trong hoạt động. (Nguồn: ximang.vn)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động tới cuộc sống của nhân loại ngày nay, và trước tình thế các nhà nhập khẩu áp dụng các biện pháp đánh thuế hàng hóa để bảo vệ môi trường, xu hướng “xanh hóa”, trong đó có việc sử dụng năng lượng xanh của doanh nghiệp là tất yếu.

Ông Lương Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Công nghệ VINCI nhận định, nếu các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là sắt thép, nhôm, xi măng và phân bón không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất ngay từ bây giờ thì sản phẩm của họ sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường. Đây cũng là cơ hội, động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, bởi việc này sẽ thật sự cần thiết, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên có phương án giảm thiểu lượng carbon trong quá trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU; cần xây dựng báo cáo phát thải và phải kiểm soát tốt lượng phát thải trong toàn bộ chuỗi sản xuất, giảm phát thải trong từng công đoạn sản xuất của mình.

Cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với CBAM và có giải pháp thích hợp về phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2.

Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ có “hạn chót” đến cuối năm 2025 để xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính. CBAM mang lại thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng chính việc EU áp dụng cơ chế này sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy quá trình “xanh hóa”, chuyển đổi sang năng lượng xanh, áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững./.

Hải An