Theo Tổ chức Du lịch thế giới, mỗi năm có hơn 1 tỷ lượt khách đi du lịch trên toàn cầu, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế, nhưng cũng gây áp lực lớn đối với môi trường. Biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên khó lường, nước biển dâng cao và nguy cơ thiên tai gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch.
Du lịch xanh tích hợp công nghệ gia tăng giá trị cho du khách
Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Bộ cũng đã nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh; ban hành Tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số du lịch.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, quan điểm chủ đạo là Phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh.
Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Chủ đề của Ngày Du lịch thế giới năm 2023 chọn chủ đề "Du lịch và đầu tư xanh" đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch xanh để hướng tới phát triển bền vững. Tại Việt Nam, đón đầu xu hướng này, nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định chuyển đổi xanh là nền tảng cốt lõi và đặt mục tiêu đưa du lịch Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích to lớn, vừa sử dụng tài nguyên hiệu quả, vừa bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động tiêu cực. Đặc biệt, trong xu hướng hiện nay, du khách sẵn sàng chi trả thêm cho sản phẩm du lịch xanh, góp phần tăng giá trị kinh tế cho ngành.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhờ triển khai các tour du lịch xanh. Ông Hoàng Trọng Quyền, Tổng giám đốc Tour Hot 247, chia sẻ: “Doanh thu của Công ty tăng 30% nhờ các tour như trekking, camping tại các vườn quốc gia”.
Dù là xu hướng tất yếu, nhưng chuyển đổi xanh vẫn đối mặt với nhiều rào cản. Các nguyên nhân chính được ông Vũ Quốc Trí chỉ ra gồm: thiếu sự phối hợp liên ngành; hạn chế năng lực quản lý điểm đến; chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan; thiếu nguồn lực đầu tư vào công nghệ xanh.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn gặp khó khăn về tài chính trong việc triển khai du lịch xanh.
Giải pháp để vượt qua những thách thức này nằm ở sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Tỉnh Khánh Hòa là một ví dụ điển hình với Kế hoạch Phát triển du lịch xanh đến năm 2030. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80% điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh được dán nhãn du lịch xanh…
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, năm 2024, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã có nhiều đổi mới, có sự đột phá. Trong đó, Chương trình Xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” tại Los Angeles được tổ chức rất thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo nhà làm phim hàng đầu Hollywood. Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị, năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 nhiệm vụ chiến lược là quản lý du lịch và quảng bá, xúc tiến du lịch.
Cụ thể, Cục Du lịch Quốc gia cần tập trung tham mưu cấp có thẩm quyền tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tham mưu công tác hoạch định chính sách; tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Du lịch, xây dựng lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của ngành du lịch để phù hợp với tình hình mới.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng thị trường quốc tế, ông Hà Văn Siêu cho hay, ngành du lịch Việt Nam sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; có kết nối đường bay thuận lợi; có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, đồng thời, phối hợp với các bên liên quan để tháo gỡ những nút thắt về thể chế phát triển, những điểm nghẽn trong đầu tư phát triển du lịch.
Ngành du lịch cũng sẽ tập trung khai thác, mở rộng nhiều thị trường trọng điểm và tiềm năng; xây dựng nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như du lịch hội nghị (MICE), du lịch golf…; đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch xanh, các chuyên gia cho rằng bên cạnh đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách về du lịch có trách nhiệm, Việt Nam nên tập trung phát triển một số dòng sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên được du khách quan tâm nhiều sau đại dịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng./.
Tại Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hai nhóm nhiệm vụ là "Hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững" và "Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh".
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược đưa ra nhiều giải pháp như: Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...