Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới; trong đó nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 7,12 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2023. Đây là năm đầu tiên, ngành rau quả đã chạm và vượt qua ngưỡng 7 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu của ngành rau quả, Trung Quốc dẫn đầu áp đảo với tới 4,3 tỷ USD, chiếm hơn 60% trong toàn bộ các thị trường xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ, dù đã tăng 37%, nhưng cũng mới chỉ đạt 320 triệu USD. Hàn Quốc và Thái Lan là các thị trường ở vị trí lần lượt lớn thứ ba và thứ tư tiêu thụ rau quả từ Việt Nam.
Mặc dù xuất khẩu trái cây tăng trưởng nhanh nhưng theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), sản xuất trái cây ở Việt Nam quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát chất lượng, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, hiện cơ sở sơ chế, đóng gói, phân phối, tiêu thụ sản phẩm trái cây trong nước chưa chuyên nghiệp; quy hoạch hệ thống kho bảo quản, xử lý sau thu hoạch và chế biến nhất là chế biến sâu còn thiếu.
Ngoài ra, thông tin thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế, chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là những thị trường lớn; các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu tương đối nghiêm ngặt…
Để mặt hàng trái cây có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, Vinafruit cho rằng, quá trình tổ chức sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn đối với từng loại rau quả; quá trình canh tác cần cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất gia tăng lợi nhuận.
Hiện vùng ĐBSCL đang nắm giữ nhiều loại trái cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, xoài, bưởi, nhãn, vú sữa. dừa… những loại trái cây này đã và đang xuất khẩu nhiều thị trường trên thế giới, kể các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Australia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này đã chứng minh quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được hình thành ở các vùng trồng cây ăn trái ở các địa phương.
Nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân và HTX trồng cây ăn trái, tiếp cận các doanh nghiệp xuất khẩu ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: “Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa.
Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những cái thương hiệu của vùng nguyên liệu của địa phương nó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia và có khi mà hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ và không có người mua, không có thị trường”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng trái cây của ĐBSCL chiếm khoảng 70% sản lượng của cả nước, nhưng về giá trị xuất khẩu thì chưa đem lại giá trị lớn. Hiện trái cây ĐBSCL chủ yếu xuất khẩu ở dạng tươi, giá trị kinh tế chưa cao. Những quy định về xuất khẩu trái cây tươi vào các thị trường đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, cơ sở nhà đóng gói.
Bên cạnh đó, từng thị trường nhập khẩu cũng đưa những yêu cầu, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm khác nhau. Vì vậy, phải hiểu rõ những quy định của từng thị trường trước khi xuất khẩu.
Dự báo về triển vọng của năm 2025, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả, cho rằng xuất khẩu rau quả sẽ đạt mốc 8 tỷ USD, và ngành này sẽ sớm vào nhóm xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2027.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả trong năm 2025, theo Bộ NN&PTNT, các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất rải vụ thu hoạch; thiết lập mã số vùng trồng. Gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây./.