Biến di sản văn hoá thành tài sản phát triển du lịch
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống người dân ở nhiều nơi trên cả nước. Trong đó, việc khai thác giá trị di sản văn hóa là hướng đi phát triển du lịch bền vững trong tương lai.
Cách trung tâm thủ đô Hà Nội gần 50 km, làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây từ lâu đã nổi bật với những ngôi nhà cổ bằng gạch ong đặc trưng, hệ thống đình, chùa, miếu mạo cổ kính, và những con đường làng nhỏ xinh, thơ mộng. Đặc biệt, đây là một trong những ngôi làng duy nhất ở Việt Nam giữ gìn được hệ thống nhà cổ truyền thống từ nhiều thế kỷ qua gồm 5 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh và Cam Lâm. Đường Lâm vẫn còn được nhắc đến với cái tên khác như: “Làng Việt cổ đá ong” hay “ấp hai Vua”, “bảo tàng sống” của văn hóa Việt…
Làng cổ Đường Lâm còn nổi bật với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, nấu rượu, làm bánh…
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa vật thể được dùng để chỉ các sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, gồm: Di tích lịch sử - văn hóa; Danh lam thắng cảnh; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên của cả nước được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2019, Làng cổ ở Đường Lâm được công nhận là điểm du lịch cấp Thành phố.
Sau gần 20 năm được xếp hạng Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia, làng cổ Đường Lâm đã trở thành một “điểm sáng” về bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Hiện Làng cổ Đường Lâm đang trở thành điểm đến lý tưởng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước Đường Lâm đang phấn đấu đến năm 2030 thu hút từ 150.000 – 200.000 lượt khách du lịch/năm, đến năm 2035 đạt 250.000 – 300.000 lượt khách/năm. Địa phương đang xây dựng nơi đây thành không gian sáng tạo độc đáo, mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ cho khách.
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn liền với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái hiện và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Các di sản văn hóa phi vật thể cụ thể gồm: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian. Những giá trị này đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Giải thưởng Du lịch ASEAN 2025 là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của cộng đồng và chính quyền địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của làng cổ Đường Lâm. Đây là kết quả của việc áp dụng các chiến lược phát triển du lịch bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Triển vọng đón du khách quốc tế và hướng tới phát triển du lịch xanh, bền vững
Với giải thưởng Du lịch ASEAN 2025, làng cổ Đường Lâm đã nhận được sự chú ý đặc biệt từ các tổ chức du lịch quốc tế. Điều này không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của làng cổ mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Với mục tiêu đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội đang khẩn trương xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 – 2030, định hướng đến năm 2035”…
Trong thời gian tới, làng cổ Đường Lâm sẽ đẩy mạnh tập trung mở rộng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ du lịch và bảo vệ các di sản văn hóa.
Một trong những điểm sáng trong phát triển du lịch làng cổ Đường Lâm chính là việc xây dựng các tuyến du lịch văn hóa, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như tham quan các ngôi nhà cổ, tham gia các lễ hội truyền thống, hoặc học hỏi nghề thủ công từ chính người dân địa phương. Đây là những trải nghiệm mà khách du lịch quốc tế đặc biệt yêu thích.
Cung với đó, Đường Lâm cũng đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, trong đó người dân là những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về lịch sử, văn hóa của làng, đồng thời tham gia vào các hoạt động như trồng hoa, trồng cây, làm gốm, làm bánh… Điều này sẽ giúp cho du khách hiểu thêm về văn hóa địa phương, bên cạnh đó còn tạo ra công ăn việc làm cho người dân, giúp họ trực tiếp hưởng lợi từ ngành du lịch.
Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, các hoạt động góp phần đem đến cho nhân dân và du khách những khám phá về đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm, thông qua đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo tồn các giá trị truyền thống. Thị xã Sơn Tây sẽ đẩy mạnh và duy trì các hoạt động như giới thiệu nét đẹp truyền thống của Tết làng Việt; nâng cấp quy mô lễ giỗ vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền; tái hiện truyền thuyết thông qua việc xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát triển du lịch bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và nhân dân làng cổ Đường Lâm. Các dự án phát triển du lịch xanh sẽ không làm tổn hại đến các giá trị văn hóa, thiên nhiên mà sẽ tạo ra một môi trường thân thiện với tự nhiên. Chính quyền địa phương cũng đang thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài ra, làng cổ Đường Lâm cũng hợp tác với các công ty du lịch lớn trong nước và quốc tế, tổ chức các sự kiện văn hóa, các tour du lịch, hội nghị du lịch để đưa Đường Lâm trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá di sản của du khách quốc tế. Mạng lưới giao thông, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Sơn Tây, cũng sẽ giúp Đường Lâm kết nối với các địa phương khác, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.
Làng cổ Đường Lâm nhận được giải thưởng Du lịch ASEAN 2025 không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là dấu mốc quan trọng trong hành trình gìn giữ bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, và cũng là một điểm đến du lịch quốc tế có giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc của miền Bắc Việt Nam. Với những bước đi chiến lược trong việc bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, làng cổ Đường Lâm kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo sức hút du khách từ khắp nơi trên thế giới./.