Cá tra tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam. Cho biết rõ hơn về ngành hàng cá tra, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân cho biết, sản lượng cá tra năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so cùng kỳ 2023. Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ năm 2023, cả năm ước đạt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng là không đồng đều do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia và dòng sản phẩm cá thịt trắng khác.
Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là điểm đến hàng đầu của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt hơn 52 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Lũy kế xuất khẩu cá tra cả năm 2024 sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt hơn 580 triệu USD, tăng nhẹ 1,3% so với năm 2023.
Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí thứ 2, sau Trung Quốc trong Top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam. Tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 28 triệu USD, tăng 40% so với tháng 12/2023.
Hoa Kỳ là 1 trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam, chủ yếu là sản phẩm phile đông lạnh. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, quốc gia này đã nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng. Một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực cũng đã có đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu năm 2024 là thuỷ sản. Dù đối mặt với nhiều thách thức về thị trường, logistics cũng như nguồn nguyên liệu chế biến, xuất khẩu thủy sản năm 2024 vẫn về đích ấn tượng trên 10 tỷ USD.
Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường được trợ lực bởi Hiệp định CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng 10% trong năm 2024, với hơn 274 triệu USD. Trong đó, Mexico vẫn là quốc gia đứng đầu trong khối về nhập khẩu nhiều nhất cá tra từ Việt Nam. Năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt 76 triệu USD, tăng 4% so với năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong tháng cuối năm 2024 cũng đạt gần 16 triệu USD, tăng 18% so với tháng 12/2023. Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha,... lần lượt là Top các quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam trong khối. Tuy nhiên, khác với các quốc gia khác, riêng xuất khẩu cá tra sang Đức chứng kiến giảm 2% trong năm 2024, với giá trị đạt hơn 37 triệu USD.
Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang một số thị trường khác cũng đón nhận kết quả tích cực và ghi nhận tăng trưởng dương như Brazil tăng 15%, Thái Lan tăng 4%, Colombia tăng 36%,...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng xuất khẩu năm qua là 2 mặt hàng chủ lực tôm và cá tra, đều chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD, tăng trưởng 16,7%; cá tra thu về 2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thuỷ sản chế biến cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD, đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm thuỷ sản cũng được các doanh nghiệp quan tâm nhằm duy trì và giữ vững vị thế trên các thị trường.
Để có những thành quả trên, ông Nam cho rằng, ngay từ đầu năm 2024 các doanh nghiệp và địa phương đã đẩy mạnh mở rộng thị trường, trong đó VASEP phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương để mở cửa thị trường trọng điểm như: Hoa Kỳ, châu Âu... Điều này đã tác động tích cực lên các thị trường xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, năm 2025 được coi là năm quan trọng của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam với động lực cốt lõi là người nông dân - ngư dân Việt Nam. Năm 2025 cũng hứa hẹn là năm xuất khẩu cá tra chinh phục những cột mốc mới.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn thế giới, thị trường tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn thế giới,... và thủy sản nuôi, trong đó có cá tra sẽ là nguồn cung cấp chủ lực. Cụ thể, theo dự báo của FAO, tới năm 2030, tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm trên thế giới dự kiến sẽ tăng 18% (tương đương 28 triệu tấn) so với năm 2018.
Châu Á sẽ tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 71% (183 triệu tấn thuỷ sản), trong khi châu Mỹ Latinh tiêu thụ ít nhất. Dự kiến tiêu thụ ở châu Mỹ Latinh tăng 33%, châu Phi (27%), châu Đại Dương (22%) và châu Á (19%). Tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến đạt 21,5 kg vào năm 2030, tăng từ 20,5 kg năm 2018. Tới năm 2030, thuỷ sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% lượng tiêu thụ thủy sản, tăng từ 52% vào năm 2018. Thủy sản nuôi sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu và tiêu dùng nhờ sự chuyển đổi một số loài từ khai thác tự nhiên sang nuôi.
Về thị hiếu, tiêu thụ thủy sản chế biến nhanh, ăn liền và tiện dụng cũng gia tăng. Thêm vào đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua thủy sản ở các siêu thị, giao dịch thủy sản online đang phát triển khá nhanh, dẫn đầu là Trung Quốc.
Người tiêu dùng ở các nước phát triển cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có nhãn phát triển bền vững và các yêu cầu về sức khỏe, dinh dưỡng. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đầu tư để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Dự báo năm 2025, ngành thuỷ sản sẽ tăng trưởng tốt hơn và vượt mốc 11 tỷ USD của năm 2022. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, để ngành hàng cá tra đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD trong năm 2025 cần tập trung phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. Đồng thời phát triển chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa việc sử dụng phụ phẩm để gia tăng giá trị sản phẩm./.