Sáu Vường quốc gia được giao phân cấp quản lý gồm: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên (là những vườn có diện tích rừng nằm trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên). NhữngVườn quốc gia này chiếm 26,7% tổng diện tích các Vườn quốc gia trên toàn quốc. Nơi đây có nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên; là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam; đóng góp quan trọng trong bảo vệ tính nguyên vẹn của hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường, nghiên cứu khoa học; đồng thời, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện đời sống nhân dân vùng đệm, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Theo các chuyên gia, cần có cơ chế đầu tư, đặt hàng để các Vườn quốc gia tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành nhất là đối với các lĩnh vực về bảo tồn nguồn gen, làm cơ sở cho bảo tồn loài và hướng tới bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái. Cần chuyển đổi mô hình quản lý sang tự chủ về tài chính để các khu rừng đặc dụng chủ động cơ hội mở rộng nguồn thu tại chỗ từ dịch vụ du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tăng trưởng xanh.
Phát biểu trong Hội nghị về “Thực trạng, giải pháp phát triển bền vững Vườn quốc gia” được tổ chức hôm 12/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, rừng là ngôi nhà thiên nhiên của mọi người, mọi loài sinh vật, chứ không của riêng ai. Rừng là vàng, mà sao đời sống người gác rừng, người giữ rừng, còn lắm nỗi khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. “Giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng”, ông Hoan nhấn mạnh.
Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, tương tự như nhiều quốc gia đã làm. Cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất, phải chăng là để rừng luôn rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển? Tất nhiên, mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng", ông Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Hoan, kinh tế lâm nghiệp bền vững cần được quan tâm, quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính mở, tính đa dụng, đa chức năng. Cùng với giá trị kinh tế từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí cacbon.
Những giá trị gần như vô hình đó, tạo ra không gian sống hài hoà, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người qua các thế hệ được tận hưởng những món quà thiên nhiên ban tặng. Cân bằng hệ sinh thái rừng giúp cân bằng nhịp sinh học của chính con người, gieo vào con người tình yêu cây cối, yêu rừng, yêu thiên nhiên và trên hết là tình yêu con người. Giá trị giáo dục của rừng, của muôn cây, muôn loài, sẽ ươm mầm những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ, cho cả thế hệ mai sau, nếu chúng ta rộng mở hơn với rừng.