Thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững

Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngày 5/10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

cong-nghe-sinh-hoc-nong-nghiep-2-1728093286.jpg
Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp

Cây trồng chuyển gen là một thành tựu khoa học hiện đại của nhân loại đã được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của thế kỷ XX. Đến năm 1996, cây trồng chuyển gen chính thức được thương mại hóa trên thế giới và việc ứng dụng cây trồng này đã phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có.

Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về Ứng dụng Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA), đến nay đã có 73 nước trên toàn thế giới chấp nhận cây trồng chuyển gen, bởi chúng thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người nông dân, tiết kiệm thời gian và công sức lao động trên đồng ruộng, tiết giảm đáng kể lượng thuốc trừ sâu mỗi vụ.

cong-nghe-sinh-hoc-nong-nghiep-3-1728093270.jpg
Tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Do đó, diễn đàn được tổ chức nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời, diễn đàn hướng tới việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những tiến bộ và triển vọng về phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn và viện nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT sẽ trình bày những kết quả nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Đồng thời, 90 đại biểu tham dự diễn đàn sẽ cùng thảo luận về định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam.

Chỉnh sửa gen chọn tạo giống cây trồng, 'điều có thể' ở Việt Nam

Theo GS.TS Lê Huy Hàm, Việt Nam đến năm 2020 đã tạo ra 80 giống lúa, đậu tương, ngô, rau, hoa bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến gen trong đó Viện Di truyền Nông nghiệp có 37 giống, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam có 14 giống, Sở NN&PTNT Sóc Trăng có 7 giống… Chúng đã được đưa vào sản xuất từ lâu.

Tuy nhiên, câu chuyện tạo giống biến đổi gen lại hoàn toàn khác, kỹ thuật cao, công phu hơn rất nhiều. Người ta tính trung bình để tạo ra 1 giống cây trồng biến đổi gen các tập đoàn trên thế giới phải mất 136 triệu USD, 13 năm, huy động hơn 4.000 nhà chuyên môn, thử nghiệm 6.200 gen, thử nghiệm 2.000 lần ngoài đồng ruộng.

Kinh phí ấy, thời gian ấy đều là không tưởng với Việt Nam bởi chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp cho cả nước mà chỉ có 1.000 tỉ đồng.

Cho đến nay, Việt Nam đã có hàng chục đề tài tạo giống biến đổi gen nhưng vẫn chưa thể đưa vào sản xuất. Phải tạo ra giống và đưa được vào sản xuất thì mới được coi là thành công.

cong-nghe-sinh-hoc-nong-nghiep-1-1728093370.jpg
GS.TS Lê Huy Hàm (trái) kiểm tra lúa chỉnh sửa gen để chịu nóng. (Ảnh: Dương Đình Tường).

Việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam mới chỉ trên cây ngô và đều phải nhập giống từ nước ngoài về. Theo nghiên cứu của ông Trần Xuân Định và ông Graham Buckner năm 2021, tổng diện tích cộng dồn của giống ngô biến đổi gen ở Việt Nam là 1,3 triệu ha. 1 ha ngô giống biến đổi gen tăng được 4,3-7,3 triệu đồng so với giống truyền thống thì cộng dồn là con số khổng lồ 255 - 432 triệu USD. Tuy nhiên, sau 10 năm, mục tiêu đặt ra trong chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp của Chính phủ là một số cây trồng phải đạt 50% diện tích thì còn xa vì ngô hiện nay nếu tính theo cách của ngành nông nghiệp mới chỉ đạt 25%.

Trong khi đó, Việt Nam đã phê duyệt và cho phép nhập vào 52 sản phẩm biến đổi gen gồm các loại ngô, bông, đậu tương, cải dầu. Chúng ta đang nhập khẩu khoảng trên 90% đậu tương và sản phẩm đậu tương, hơn 50% ngô làm thức ăn chăn nuôi từ các nước trồng biến đổi gen./.

Bình Châu