Chính vì vậy, Quốc hội cần nhanh chóng sửa đổi Luật đất đai năm 2013. Trước hết, chúng ta cần biết về một thực tiễn làm luật ở nước ta như thế này. Nếu một đề án luật xuất phát từ Chính phủ, Thủ tướng sẽ giao cho một Bộ chủ trì đề án, Bộ đó sẽ thành lập Ban soạn thảo. Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu thành viên Ban soạn thảo phải là các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực có liên quan.
Nhưng trên thực tế hiện nay, hầu hết các Ban soạn thảo chỉ bao gồm thành viên là quan chức các bộ ngành, tức họ là người nắm giữ các chức vụ quản lý nhà nước hơn là các chuyên gia. Đặc biệt, họ thường rất bận công việc quản lý, do đó hiếm có thời gian thực tế cho công việc soạn thảo luật. Ban soạn thảo thường chỉ định ra một Tổ biên tập, là chuyên viên các Bộ ngành, hoặc các chuyên gia thực sự để giúp mọi công việc có tính kỹ thuật cho Ban soạn thảo.
Ở Việt Nam, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ở khâu hình thành ý tưởng hay đề xuất chính sách, về nguyên tắc, các công việc mang tính nội bộ của Chính phủ. Sau khi đã có nội dung chính sách, thì sẽ có quy trình đánh giá tác động chính thức và công khai, để thu thập phản hồi từ các đối tượng chịu sự tác động trong tương lai.
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tiễn, dù người dân luôn luôn được tạo nhiều cơ hội để tham gia góp ý kiến cho một dự thảo luật khi được công bố, nhưng những ý kiến định hình chính sách và hành văn pháp lý ban đầu vẫn luôn luôn đóng vai trò quan trọng nhất, và nó thường ít được thay đổi dù có quá trình góp ý sau đó.
Nhiều cử tri, xuất phát từ thực tiễn, có chung nhận thức về quan điểm khi sửa Luật Đất đai như sau:
- Cần sớm công nhận tính đa sở hữu đối với đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Trong đó, sở hữu tư nhân vừa là nguồn lực quan trọng nhất, năng động nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
- Cần tôn trọng nguyên tắc mọi công dân, tổ chức (doanh nghiệp) đều bình đẳng trước pháp luật. Nội dung Luật Đất đai sửa đổi phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, tạo khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
- Việc xác định giá đất khi giải toả, đền bù cần quy định lại và làm rõ: Nếu Nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá Nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hằng năm. Nếu thu hồi đất cho doanh nghiệp làm dự án, phải bồi thường theo giá thị trường và thoả thuận với dân. Việc đền bù do chủ đầu tư trực tiếp làm, tuyệt đối chính quyền không được làm rồi giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay gây ra bao hệ luỵ tai hại.
- Đất đai là tài sản có giá trị lớn, lại càng ngày càng bị thu hẹp, vì thế cần chấm dứt tình trạng các cấp quản lý được quyền cấp đất cho cán bộ xây nhà ở, nhất là cấp đất cho cán bộ lãnh đạo hoặc hoá giá nhà đất theo mức giá ưu đãi rất rẻ mạt, thực tiễn nhiều vị đã bán ngay nhà đất được “phân phối” hoặc “hoá giá” ăn chênh lệch hàng chục lần.
- Cần xử lý cứng rắn và kiên quyết với mọi trường hợp lấn chiếm, nhảy dù đất công, kể cả ở vùng sâu vùng xa, rồi hợp thức hoá thành đất tư nhân. Luật Đất đai 2003 đã cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp bất hợp pháp trước 1993 mà không có tranh chấp, khiếu nại, như vậy nhà nước đã chấp nhận hợp thức hoá 1 lần cho tất cả các trường hợp chiếm đất bất hợp pháp trong quá khứ, không lý gì lại tiếp tục việc đó nhiều lần sau nữa.
- Không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “thu hồi đất”. Phải nói thật rằng tất cả các khiếu kiện đất đai (trên 80%) thời gian qua đều liên quan đến điều 62, bởi vì Khái niệm “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” khiến phạm vi các dự án được Nhà nước thu hồi đất là quá rộng. Các doanh nghiệp khi thực hiện triển khai dự án ở địa phương đều đi theo hướng gắn dự án với tính chất là “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia”. Như vậy, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do Nhà nước thu hồi, giá đất đền bù theo khung giá Nhà nước quy định, không phải thỏa thuận với người dân và thấp hơn nhiều giá thị trường.
Việc cần làm ngay lúc này là phải nhanh chóng sửa đổi Luật đất đai, đặc biệt là điều 62 để ngăn chặn các nhóm lợi ích tận dụng sự mập mờ kiếm lợi cho bản thân mà gây tổn hại đến lợi ích của người dân và lợi ích quốc gia! Tất cả các Bộ/ngành liên quan phải rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Đất đai càng sớm càng tốt để làm cơ sở cho việc sửa các nội dung của Luật, để Luật thực sự hữu ích cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường./.