Xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15 - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, dự báo, mục tiêu doanh thu từ thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.
Mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng thương mại điện tử của Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt hơn 17 tỷ USD.
Nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của lĩnh vực này, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẳng định, thương mại điện tử có sức lan tỏa trong người dân, có sức hấp dẫn rất mạnh trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh.
“Rào cản gia nhập thị trường trên môi trường thương mại điện tử thấp hơn thương mại truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn hướng thị trường toàn quốc, thậm chí hướng tới thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới...”, bà Việt Anh nói.
Từ góc độ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sàn thương mại điện tử, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, Shopee đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với thương mại điện tử, thông qua các khóa huấn luyện kỹ năng, sử dụng công cụ, cách thức, cơ chế vận hành phù hợp với thương mại điện tử, từ đó giúp những doanh nghiệp này phát triển tốt hơn và bền vững hơn.
Tuy nhiên, trong những cuộc khảo sát thị trường, Shopee nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số khó khăn về tiếp cận thị trường thương mại điện tử; xu hướng thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng… Theo ông Trần Tuấn Anh, các doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng có những điều chỉnh về chính sách, cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới.
“Mong đợi của Shopee là các cơ quan chức năng có những cơ chế hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cá nhân được tiếp cận, tạo ra những sản phẩm, phương thức kinh doanh thương mại điện tử mới”, ông Trần Tuấn Anh đề xuất.
Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam 10 năm qua đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ từ 16-30%/năm. Doanh thu bán lẻ năm 2023 tăng 25% so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD.
Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Theo đó, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; triển khai mô hình Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm địa phương thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới…
“Tới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tham mưu với Bộ Công Thương trình Chính phủ định hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2026-2030, trong đó, tập trung các giải pháp về phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững, bảo vệ tốt nhất quyền lợi người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các tỉnh, thành phố”, bà Lê Hoàng Oanh nói./.