Cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Các chuyên gia nhận định, để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp … Việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp.
ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-3-1720946674.jpg
Cần tăng cường chính sách hỗ trợ DN trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp lớn đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng

Hiện nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước ta đang ở giai đoạn giao thoa đặc biệt của nhiều xu hướng phát triển. Trong đó, nổi bật là xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn, DN lớn đã và đang có các hành động cụ thể để thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, DN lớn trên toàn cầu đánh giá là điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng. Đây chính là thời điểm lịch sử mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế và các DN Việt Nam trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư, công nghệ để trở thành mắt xích trong những chuỗi cung ứng đang bị thiếu hụt trên toàn cầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động, số DN lớn chỉ chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các DNNVV là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt… đây là những hạn chế của DN khi tham gia vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nêu thực tế, hiện đã có những DN ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn, phần nhiều các DN đang khó khăn trong tiến trình hội nhập. Việc đa dạng chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là định hướng yêu cầu của Đảng và nhà nước.

ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-1-1720946716.jpg
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng.(Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương cũng cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận bước tăng trưởng ấn tượng.

Theo đó, tình hình sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, trong đó, chế biến chế tạo tăng 10,6%, sản xuất công nghiệp và phân phối điện tăng 11,4%, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%. Trong khi đó, Khai khoáng giảm 9,4%.

Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và Chính sách Công Thương cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, đây là mức tăng cao, thậm chí tăng mạnh mẽ so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu cao hơn của các thị trường, chia sẻ về những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Hội cho biết, có nhiều chính sách như: Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg - 12/2019/QĐ-TTg – Xúc tiến thương mại, Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg - 1320/QĐ-TTg_2019 – Thương hiệu quốc gia, Quyết định số 68/QĐ-TTg_2017 - 10/2017/QĐ-TTg - 71/QĐ-TTg_2024 – Công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 1881/QĐ-TTg_2020 – Khuyến công quốc gia, Quyết định số 493/QĐ-TTg_2022 – Xuất nhập khẩu hàng hóa… Nhờ sự thúc đẩy từ các chính sách hỗ trợ này, theo ông Hội, nhiều chương trình triển lãm, thúc đẩy, kết nối được thực hiện. Thông tin thương mại nghiên cứu thị trường, chuyển giao công nghệ được thực hiện. Thậm chí, việc hỗ trợ cung ứng theo chuỗi phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ông Hội cũng thẳng thắn, còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu.

Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, để hỗ trợ các DN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần đổi mới cách tiếp cận về cải cách thể chế và chính sách hỗ trợ đối với các DN… Việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các DN. Nhưng những nỗ lực đó sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều, nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh và quy định pháp luật không tạo ra vướng mắc…

Ông Bình cũng cho rằng, các DN Việt muốn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần được đào tạo và hỗ trợ, xây dựng năng lực để tuân thủ các quy tắc về ứng xử, quy định và tiêu chuẩn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần phát triển các công cụ kỹ thuật số để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc và thu thập dữ liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu; thử nghiệm các cơ chế về công nghệ số, phát triển ngành bán dẫn…

“Đổi mới về thể chế, đổi mới về môi trường kinh doanh, đổi mới các quy định pháp luật để giúp cho con đường gia nhập chuỗi toàn cầu của DN sẽ cần phải được thuận lợi hơn, rộng mở hơn. Yêu cầu này cũng đặt ra vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay, do đó chúng ta phải đổi mới tư duy trong hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa để đạt được mục tiêu là hiệu quả về phát triển DN đã đặt ra”, Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khuyến nghị.

Việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là rất cần thiết với DN. Cần tăng cường chính sách hỗ trợ DN trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo để đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu đòi hỏi của xu thế hiện nay.

Theo ông Nguyễn Văn Hội, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu như: Tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu; Xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs; Xây dựng quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; Xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-2-1720946765.jpg
Diễn đàn Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng cho biết, trong xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến sản xuất của nhiều tập đoàn toàn cầu, việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất là cần thiết với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, dù có cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nhưng doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức. Do đó, ông Việt cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Việt chỉ ra, cần tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng và chuyển dịch năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, tích hợp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm với các xu thế thương mại và sản xuất toàn cầu hóa.

Ông Việt cho biết thêm, việc khẳng định tên thương hiệu và làm rõ các sản phẩm “Made in Vietnam” là điều cần thiết trong bối cảnh phân cực hiện nay. Đồng thời, cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng ESG trong quản trị doanh nghiệp; xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI để đáp ứng các chuẩn mực và vượt qua rào cản mới trong thương mại Quốc tế.

Cuối cùng, ông Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu, chính sách, các trường đại học… Theo đó, hợp tác liên kết trong chuỗi cung ứng theo hướng nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng hiệu quả, mở rộng thị trường xuất khẩu và khai thác tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.

Bình Châu