Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Để tận dụng được các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
z5575649375847-80134986de6b291c68f9a4196ba09613-1719396827.jpg
Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp. Ảnh Lưu Thủy

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đã và đang tái cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm. Việt Nam đã dần phát triển nhằm tự chủ một số nền công nghiệp nền tảng để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.

Đánh giá về tình hình 6 tháng đầu năm, phát biểu tại “Diễn đàn kinh doanh: Đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao khả năng thích ứng cho doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong kết quả tích cực của nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2024, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, ở một số mặt hàng trọng điểm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu khởi sắc không chỉ xuất phát từ nhu cầu của thị trường mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam.

Tuy vậy, theo báo cáo của VCCI, trong khoảng 800.000 doanh nghiệp tư nhân trong nước đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là thiếu kỹ năng quản lý, ít đổi mới công nghệ, khả năng tiếp cận tài chính còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, việc kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn hết sức mờ nhạt. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế. Hiện đã có những doanh nghiệp ngành ô tô, xe máy và điện tử trong nước đã hội nhập thành công, tuy nhiên con số còn rất khiêm tốn”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Do đó, để tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp chủ động tham gia, phát triển chuỗi cung ứng, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh là việc vô cùng cấp thiết.

Thông tin về xu hướng chuôi cung ứng hiện nay, TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW) cho biết, do ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phân cực và dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ. Tại Việt Nam, xu hướng này bắt đầu diễn ra mạnh mẽ từ năm 2022, trong đó, các hub của chuỗi cung ứng thế giới và Trung Quốc sang Việt Nam. Cụ thể, vốn đầu tư mới từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng từ khoảng 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 3,5 tỷ USD vào năm 2023. Về tỷ trọng, vốn đầu tư từ Trung Quốc chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019 đã tăng lên 34% vào năm 2023. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang rộng mở.

ongtuanh-1719396947.jpg
TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế TW).

Bên cạnh những lợi thế, TS. Nguyễn Tú Anh đề cập đến nhiều thách khi Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng tay nghề và cả lao động phổ thông. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thu hút dòng vốn lớn nhưng đòi hỏi nhu cầu năng lượng lớn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn yếu.  Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu là xu hướng chuyển đổi xanh. Khi đã tham gia vào thị trường chung của thế giới, Việt Nam sẽ không đứng ngoài "cuộc chơi" với yêu cầu cần giảm thiểu "dấu chân" carbon trong sản xuất. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ yêu cầu trong sản xuất đảm bảo giảm "dấu chân" carbon không vượt quá chuẩn mực của các thị trường phát triển.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hội- Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương Nhiều thương hiệu quốc gia đã vươn mình ra thế giới. Chúng ta tham gia sâu vào chuỗi cung ứng nên công nghiệp phụ trợ phát triển mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong quá trình thực thi, như nhận thức, tư duy, cách nghĩ, tầm nhìn của các nhà làm chính sách. Thiếu minh bạch và bình đẳng, thiếu tính ổn định, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng thực thi không hiệu quả. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Các chính sách về nguồn lực cần thiết để phát triển xuất khẩu còn thiếu hụt. Sản xuất nguyên liệu, thiết kế, phân phối chưa đồng bộ. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Do đó, ông Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó,  tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.

Tập trung xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs. Tăng cường cung cấp cho doanh những những thông tin quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước./.

Đông Nghi