Hoạt động xuất khẩu cần chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu
Tổng kim ngạch xuất khẩu - nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 theo báo cáo của Bộ Công Thương ước đạt gần 370 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt khoảng 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu, với giá trị ước đạt 8,4 tỷ USD.
Trong đó, doanh nghiệp mỡi chỉ chú trọng tăng cường chế biến sâu sản phẩm xuất khẩu, tăng cường mở rộng thị trường. Để đạt được giá trị gia tăng cao hơn trong hoạt động xuất khẩu thay vì chỉ tăng về lượng, ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tiếp tục đầu tư để chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu, phát triển các mặt hàng nông sản chất lượng cao. Đồng thời chú trọng khai thác các hình thức khác nhau như thương mại điện tử các nền tảng trực tuyến.
“Các địa phương có nhiều sản phẩm thế mạnh hoặc có nhiều DN kinh doanh xuất nhập khẩu nên tăng cường các hoạt động hợp tác cụ thể với các nền tảng trực tuyến DN thương mại điện tử như Alibaba, Tiktok, Shopee, Lazada…”, ông Nam khuyến nghị.
Đồng tình với khuyến nghị này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra thực tế về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua, đó là kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cả 2 chiều đều lớn.
Việc nhập khẩu chủ yếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất cho thấy tính gia công còn cao. Trong bối cảnh tỷ giá USD đang neo ở mức cao, được lợi cho xuất khẩu nhưng lại làm tăng chi phí cho nhập khẩu; chi phí logistics tăng cao và vấn đề biển đỏ vẫn còn diễn biến phức tạp… cho thấy cần phải có những tính toán dài hơi cho xuất khẩu bền vững hơn.
“Chúng ta phải tính đến chiến lược xuất khẩu sắp tới, trong đó hoạt động xúc tiến thương mại làm sao cho đúng với xu hướng trên thế giới. Đó là chưa kể những yêu cầu mới về kiểm soát carbon, những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh sẽ làm cho chi phí tuân thủ của hàng xuất khẩu cao hơn, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN”, ông Phú nói.
Tận dụng các FTA liên kết kinh tế mới tạo ra cú hích cho “chân kiềng tăng trưởng xuất khẩu”
Nửa cuối năm 2024 vẫn còn không ít thách thức với hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hoá. Xung đột địa chính trị căng thẳng tiếp tục đẩy giá cước vận tải leo thang, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Cùng với đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn như EU, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Công Thương) nhấn mạnh đến việc theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin tới các hiệp hội ngành hàng, DN là những việc cần làm trong nhóm giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm.
“Các hiệp hội ngành hàng và DN cần tiếp tục khai thác các thị trường hiện có cũng như mở rộng các thị trường mới, đẩy nhanh đàm phán ký kết các FTA liên kết kinh tế mới, chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch. Tăng cường năng lực về hoạt động phòng vệ thương mại, hoàn thiện pháp luật, thể chế cũng như triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các DN tham gia một cách hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại tại nước ngoài, cũng như tiếp nhận và xử lý kịp thời kiến nghị của các DN để ban hành quyết định điều tra, áp các biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam, từ đó bảo vệ cho các DN Việt Nam tại thị trường trong nước”, ông Sơn lưu ý.
Khẳng định hệ thống các FTA với hơn 60 thị trường vẫn đang mở rộng cơ hội cho các ngành hàng, DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan trong thời gian tới, song Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng nhấn mạnh tới việc coi trọng thị trường ngách, các thị trường nhỏ đầy tiềm năng trong các thị tường lớn.
“Chúng ta nhìn đối tác thị trường không chỉ là các quốc gia, khu vực. Ví dụ như Trung Quốc cần phải tính đến cả các địa phương. Các quốc gia châu Âu, châu Mỹ cần hướng thị trường đến các bang - cấp địa phương, cấp vùng của quốc gia… Do đó, cần phải liên kết giữa các địa phương, liên kết các Sở, các DN với nhau cũng như liên kết ngang, liên kết dọc”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân định hướng.
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ nhất đẩy mạnh xuất khẩu năm 2024 vẫn là chế biến sâu hàng hoá nông sản. DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI - chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia đang đóng góp khoảng 85% giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hoá. Chỉ có như vậy mới có thể tạo ra cú hích cho “chân kiềng tăng trưởng xuất khẩu” của Việt Nam trong thời gian tới./.