Cần "cú hích" về cơ chế để có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030

Để hiện thực hóa mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, các đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội và Chính phủ cần ban hành những cơ chế ưu đãi đủ mạnh nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Sáng 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Tại nghị trường, nhiều ý kiến đóng góp đã được đưa ra nhằm hoàn thiện dự thảo, trong đó tập trung vào những giải pháp hỗ trợ thực chất, giúp đạt mục tiêu Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ - đặc biệt là nỗ lực của Bộ Tài chính và Ủy ban Kinh tế và Tài chính trong việc kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

tran-hoang-ngan-16-5-1747383056.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân góp ý để phát triển 2 triệu doanh nghiệp cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Quochoi.vn

"Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đất nước đang tăng tốc phát triển bước vào kỷ nguyên mới. Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 51% GDP, đóng góp 33% tổng thu ngân sách Nhà nước và 55% tổng vốn đầu tư xã hội nên cần nhiều cơ chế đặc biệt hỗ trợ để phát huy vai trò động lực, kinh tế tư nhân cũng được xác định là động lực quan trọng nhất giai đoạn tới", ông Ngân nhấn mạnh.

Theo đại biểu Ngân, Nghị quyết 68 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải đạt 2 triệu doanh nghiệp (tức tăng thêm khoảng 200.000 doanh nghiệp/năm - PV). Ông Ngân cho rằng, trong bối cảnh mỗi năm cả nước chỉ tăng thêm 30.000 - 40.000 doanh nghiệp, để đạt mục tiêu trên, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phải đưa ra những cơ chế, chính sách đặc biệt để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang mô hình hoạt động doanh nghiệp. Đồng thời, cũng cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ vươn lên thành các doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Một trong những giải pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp là theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 1/7/2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không áp dụng phương pháp thuế khoán mà phải nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. 

Bên cạnh đó, theo đại biểu Ngân, một điều mà doanh nhân rất quan tâm là việc phân định rõ trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm hình sự với hành chính, trách nhiệm dân sự với trách nhiệm hành chính.

Đại biểu Ngân đề nghị Chính phủ rà soát lại tất cả các phụ lục có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự, các Nghị định của Chính phủ... để thể chế hóa các nội dung này cho doanh nghiệp.

Liên quan đến hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đại biểu đồng tình với các quy định trong dự thảo. Đại biểu chỉ đề nghị bổ sung nội dung các địa phương có đất đai, có tiềm năng và thế mạnh thì cần tạo cơ chế để thành lập, mở rộng các khu công nghiệp cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê với giá hỗ trợ.

"Điều này rất quan trọng vì mục tiêu nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao nhưng phải độc lập tự chủ về kinh tế. Muốn làm được như vậy thì khu vực kinh tế tư nhân phải lớn mạnh, phải có cơ chế hỗ trợ về tài chính, tín dụng, đất đai", đại biểu nói và nhấn mạnh cần điều khoản để khuyến khích các địa phương tạo đất sạch cho khu vực tư nhân.

ford-ranger-ckd-38-1747382972.jpg
Mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp nên là KPI của các địa phương. (Ảnh minh hoạ).

Trước đó, tại hội thảo "Dòng chảy pháp luật 2024-2025 và những khuyến nghị cho doanh nghiệp" tổ chức ngày 15/5, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, trong các chỉ tiêu kinh tế, các địa phương nên tập trung vào việc có thêm bao nhiêu doanh nghiệp để đạt mục tiêu có 2 triệu đơn vị vào 2030.

Theo ông Tuấn, mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến 2030 trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân rất quan trọng và nên là "KPI" chính của các địa phương trong đánh giá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Bởi lẽ, theo mục tiêu Việt Nam có 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân - vốn là chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá phát triển kinh tế của quốc tế, được nhiều nơi quan tâm, tập trung theo đuổi để tăng trưởng.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 89.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt gần 1,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 91%.

Trong cùng khoảng thời gian, có hơn 38.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29%. Bình quân mỗi tháng có khoảng 9.600 doanh nghiệp tái gia nhập thị trường – mức cao nhất từ trước đến nay.

Cục Thống kê cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, cần chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt điều kiện kinh doanh và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), khuyến khích sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng nhằm giảm chi phí logistics, và ưu tiên đầu tư vào các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và y sinh.

Trần Huyền